MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động tự do: "Làm bao nhiêu, ăn bấy nhiêu... lấy đâu ra thưởng tết"

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/12/2021 16:10
"Làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, có việc làm thì mới có tiền, thưởng tết là khoản không thể đòi hỏi" - anh Cường, một lao động tự do làm nghề thợ hồ, nói với PV Báo Lao Động sau khi kết thúc một ngày quần quật làm việc. 

Dịch bệnh, nghỉ suốt

Trong bộ quần áo lấm lem vữa, em Ngô Văn Vũ (SN 2004) đang chuẩn bị cơm tối chờ các anh trong nhóm thợ hồ về ăn. Đã rất lâu, những người lao động tự do làm nghề thợ hồ này mới có miếng thịt ngan trong bữa cơm tối. 

Vũ bỏ học khi học xong lớp 9. Kể từ đó, em xin bố mẹ cho đi làm để tự nuôi thân và phụ giúp phần nào kinh tế gia đình. Trên Vũ còn một anh trai sinh năm 1991 đi làm thợ sơn. Vũ không theo anh trai làm thợ sơn mà theo một người anh họ làm nghề thợ hồ. 

4 năm đi làm phụ hồ ở Hà Nội, Vũ học được cách tự lo toan cuộc sống. Ở trong lán của hơn 10 người thợ hồ cùng quê Thanh Hóa, Vũ nhỏ tuổi nhất và kiêm luôn công việc đầu bếp.

Vũ kiêm luôn chức đầu bếp, nấu ăn cho các anh cùng lán. Ảnh: Lương Hạnh

Chúng tôi gặp Vũ khi em vừa đi làm về. Em được về sớm để chuẩn bị cơm canh. Vũ kể, mỗi ngày em thức dậy lúc 6h sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người. Đến 6h tối, em lại về sớm trước để chuẩn bị cơm buổi tối. 

Mỗi ngày đi làm, Vũ được trả tiền công 200.000 đồng. Trung bình một tháng nếu làm liên tục không nghỉ, em cũng kiếm được từ 6-7 triệu đồng. 

 Đã từ lâu, bữa cơm của những người lao động tự do làm nghề thợ hồ mới có miếng thịt. Ảnh: Lương Hạnh

“Em không tiêu gì, hàng tháng cũng không phải gửi tiền về nhà. Những năm trước, tết đến, em đưa cho bố mẹ 20-30 triệu đồng. Năm nay dịch bệnh, nghỉ suốt, không biết mang về nhà được bao nhiêu” - Vũ nói. 

Nói chuyện với PV, sự lạc quan vẫn ánh lên trong đôi mắt của chàng trai chưa tròn 18 tuổi này. “Gia đình không phải quá khó khăn đến nỗi em phải nghỉ học. Em chỉ muốn đi làm sớm, không muốn đi học nữa” - Vũ bày tỏ.

Lấy đâu ra thưởng tết

Ở cùng với Vũ là anh Ngô Văn Cường (SN 1986). Vợ anh Cường làm giáo viên mầm non ở quê, thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Vợ chồng anh có hai con nhỏ, cháu đầu 11 tuổi, cháu thứ hai 4 tuổi. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, anh phải ra Hà Nội đi làm thợ hồ để gửi tiền về cho vợ con. 

Mỗi tháng, anh Cường cũng kiếm được khoảng 8 triệu đồng. Anh gửi về cho vợ con khoảng 5-6 triệu đồng, còn lại để chi tiêu, ăn uống.

8 năm ở Hà Nội làm thuê, chưa bao giờ anh Cường nghĩ mình mắc kẹt ở đây lâu đến vậy. Đã 6 tháng không thể về quê, không được nhìn mặt con, anh chỉ có thể nghe giọng vợ con qua chiếc điện thoại đen trắng. Anh cũng không dám sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh để gọi video về nhà. Bởi, anh còn phải "tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy". 

 Đã 6 tháng trôi qua, anh Cường chưa được về thăm vợ con. Ảnh: Lương Hạnh

Không chỉ vậy, khoảng thời gian giãn cách xã hội, không có việc làm anh Cường cũng không thể gửi tiền về cho vợ con. Nhắc đến những ngày tháng đó, anh Cường ngán ngẩm: “Đành chịu thôi chứ biết làm sao được!”. 

Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất, anh Cường chỉ mong sớm làm xong công trình để về quê với vợ con. Đối với những lao động tự do như anh Cường, tết thường không có bất kỳ khoản thưởng nào. 

Nhắc đến thưởng tết, anh Cường cười: “Lấy đâu ra thưởng tết, khoản đấy thì làm sao đòi hỏi được. Ngoài tiền công làm ra, chủ thầu cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không cho thì cũng phải chịu”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn