MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lan (ngoài cùng bên phải) đang làm muối cà cho nhóm công nhân. Ảnh: Bảo Hân

Lao động tự do "mắc kẹt" ở Hà Nội: Không thể về dự lễ tang chồng

Bảo Hân LDO | 17/09/2021 14:52

Mắc kẹt” hơn 2 tháng nay, nhóm lao động thuê trọ tại khu C, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội sống chật vật với số tiền hỗ trợ 25 nghìn đồng/người/ngày ăn từ cai thầu lao động, có lúc phải nhờ đến tấm lòng của những người hảo tâm. Có người không thể về lễ tang chồng; có người từng định đi bộ về quê Sơn La - cách Hà Nội hàng trăm km.

Chồng mất, không thể về quê 

Nhà trọ dành cho nhóm 14 công nhân vốn là một cửa hàng  dự định để làm dịch vụ sửa xe máy, lợp bằng mái tôn, giá thuê là 6 triệu đồng/tháng. Không gian chật chội nên phải lắp giường 2 tầng mới đủ chỗ ngủ. Không dám ra ngoài vì sợ bị phạt, nhóm công nhân phải chen chúc trong không này, ngày ngày lướt mạng “giết” thời gian. 

Nơi ở trọ của nhóm công nhân. Ảnh: Bảo Hân 

Do nghỉ việc, 2 tháng nay, nhóm công nhân này đều không có thu nhập, cuộc sống rất khó khăn. Mỗi ngày, “cai” (hiện ở Thanh Hoá) hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người. Cách đây khoảng nửa tháng, có 2-3 ngày, cả nhóm cạn kiệt thực phẩm, may nhờ sự hỗ trợ kịp thời của những người có lòng hảo tâm. “Hôm trước, có bác ở gần đây mang đến cho 5kg và chai nước mắm” - anh Ngọc cho biết. Phường cũng có hỗ trợ thực phẩm tới nhóm công nhân này. 

Với số tiền hỗ trợ ít ỏi, bà Trần Thị Lan (quê Thanh Hoá) – người phụ trách nấu ăn - rất “đau đầu” khi đi mua thực phẩm cho cả nhóm. Bà Lan cho hay, với 14 người, tổng số tiền đi chợ mua thực phẩm, rồi cả đồ dùng tối thiểu như giấy vệ sinh, kem đánh răng… khoảng 350.000 đồng. Để mua được giá rẻ, bà Lan phải đi chợ từ 2-3 giờ sáng. Bữa ăn của cả nhóm thường chỉ có 2 món: Thịt và rau, thi thoảng có thêm dưa hoặc cà muối.

Bên trong nơi trọ của nhóm lao động. Ảnh: Bảo Hân 

Bà Lan chia sẻ, ngày 24.8 vừa qua, chồng bà ở quê mất vì bạo bệnh, nhưng bà không thể về để gặp chồng lần cuối. Bà Lan cứ dằn vặt mãi và không nguôi đau đớn...  

"Chồng tôi bị bệnh ung thư gan từ lâu, nhưng vừa qua đột ngột trở nặng rồi qua đời. Nếu mà ông ấy trở nặng sớm hơn thì tôi đã kịp về khi chưa giãn cách. Sau khi giãn cách 5-6 ngày thì ông mới trở nặng, nhập viện, mà lúc đó thì tôi không thể về. Sau một thời gian điều trị, chồng tôi qua đời mà tôi không thể ở bên cạnh"- bà Lan buồn bã nói. Đau lòng hơn, các con bà ở xa cũng không thể trở về đầy đủ trong tang lễ của bố. 

"Thời điểm đấy, tôi không được xét nghiệm COVID-19, không xin được giấy, lại không có xe nên không thể đi về. Rồi nếu về đến quê thì phải bị cách ly, nên tôi đành ở lại, mặc dù rất đau lòng. Tôi đành phải chấp nhận, chứ biết làm sao" - bà Lan tâm sự. 

"Tôi làm công việc này được 4 năm rồi. Nếu về quê 1,2 ngày thì được, còn nếu về lâu thì không có ai nấu cơm cho công nhân. Hết giãn cách, tôi rất muốn về quê nhưng có thể bị cách ly ở huyện, rồi ở nhà, mất cả tháng trời, nên tôi quyết định sẽ ở lại làm việc tiếp, sau này sẽ về dài ngày. Hơn nữa, nghỉ làm tôi cũng không có thu nhập"- bà Lan cho hay. 

Chồng mất, nhưng bà Lan không thể về để gặp chồng lần cuối. Ảnh: Bảo Hân 

"Bao giờ mẹ mua sách vở cho con?"

Trong nhóm công nhân đang mắc kẹt, có 2 cặp là vợ chồng, trong đó có vợ chồng anh Đường Văn Nam và Quàng Thị Kim (quê huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Gửi 2 con (10 tuổi và 8 tuổi) nhờ ông bà ngoại trông, anh chị lên Hà Nội để mưu sinh. Công việc “bán sức” này mỗi tháng mang lại cho anh chị 10 triệu đồng để gửi tiền về nuôi con ăn học. Hai tháng nay, không có việc làm, không có thu nhập, anh chị không thể gửi tiền về cho con, trong khi bắt đầu năm học mới, cần phải chi rất nhiều khoản.  

“Gọi điện cho con, nó cứ bảo tôi mua cho nó sách vở, đôi dép mới… để nó đi học nhưng tôi không có tiền, lại không về được quê, nên không biết nói với con thế nào. Tôi đành nhờ ông bà vay mượn tạm để mua đồ cho cháu, khi nào đi làm, có tiền, tôi sẽ gửi về” - chị Quàng Thị Kim buồn rầu nói.  

Vợ chồng anh Nam, chị Kim đang rất nhớ các con, lo lắng cho những ngày sắp tới. Ảnh: Bảo Hân 

Ngồi bên cạnh vợ, anh Nam cũng không giấu được nỗi buồn khi phải xa con, không có tiền gửi về cho con đi học. “Có lần, nhớ các con quá, tôi có ý định đi bộ về nhà. Vất vả tôi không ngại, nhưng sợ không đi qua chốt được, rồi sợ bị phạt… nên tôi đành ở lại” - anh Nam tâm sự. 

Chị Kim thường xuyên gọi video về cho con. Ảnh: Bảo Hân 

Dự định của vợ chồng anh Nam là nếu Hà Nội hết giãn cách, anh Nam tiếp tục ở lại làm việc, còn vợ sẽ về quê 1,2 tháng để gặp con. “Nếu cả 2 vợ chồng đều về thì lấy tiền đâu để nuôi con, nên chỉ vợ về quê, nhưng sau đó sẽ lên tiếp để làm việc, kiếm tiền. Ở quê không có việc gì làm cả, chỉ đi làm nương thôi, mà làm nương thì không có tiền” - anh Nam chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn