MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Tâm mong muốn dự thảo được thông qua sớm đồng thời điều chỉnh mức hưởng chế độ thai sản thiết thực hơn. Ảnh: Mạnh Cường

Lao động tự do mong được hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện

Mạnh Cường LDO | 18/07/2023 06:30

Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, hỗ trợ 2 triệu đồng khi sinh con. Khi biết được các thông tin về dự thảo, lao động tự do đặc biệt là lao động nữ trẻ tuổi mong muốn đề xuất chỉnh sửa thêm để dự thảo hoàn thiện nhất.

Làm ở spa hơn 2 năm nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, đến khi sinh con chị Nguyễn Thị Tâm (26 tuổi, Thanh Hóa) mới thấy tiếc và khó khăn vì không có chi phí hỗ trợ. Nhìn bạn bè ai cũng khoe được gần 30 triệu đồng tiền thai sản càng khiến chị chạnh lòng.

“Spa nơi tôi làm việc họ không đóng bảo hiểm cho nhân viên, chỉ ký quỹ mỗi tháng 500.000 đồng, khi nào nghỉ việc mới được lấy khoản đó. Nếu bảo hiểm xã hội tự nguyện có chế độ thai sản, tôi sẽ tham gia” - chị Tâm cho hay.

Do tìm việc khác khá khó khăn nên chị Tâm vẫn quyết định tiếp tục công việc hiện tại. Chia sẻ dự định sắp tới, chị Tâm cho biết, nếu sinh thêm bé nữa mà có bảo hiểm thai sản tự nguyện sẽ đỡ được phần nào khi vào viện. Đồng thời, chị cũng không cần phải vào công ty hay chuyển đổi công việc để được đóng bảo hiểm xã hội.

Vừa xin nghỉ công ty ra mở cửa hàng quần áo riêng nên chị Phạm Thị Nhung (30 tuổi, Nam Định) cũng hy vọng dự thảo sớm được thông qua. Lúc đó, nếu có ý định sinh thêm bé nữa, chị sẽ tự đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng chế độ thai sản và nối tiếp bảo hiểm xã hội bắt buộc còn dang dở.

Chị Nhung đã đi làm công ty, đóng bảo hiểm xã hội được 8 năm, cũng một lần sinh con nên hiểu tốn kém thế nào. Nếu bảo hiểm xã hội tự nguyện có chế độ thai sản thiết thực, chị sẽ sẽ tham gia. Vì khi sinh con, chị Nhung sẽ không còn lo lắng về chi phí, đồng thời nối tiếp 8 năm đóng bảo hiểm xã hội để sau này về già được hưởng lương hưu

Nói về mức hưởng chế độ thai sản, chị Tâm và chị Nhung đều cho rằng, mức hỗ trợ 2 triệu đồng như trong đề xuất chưa tương xứng. Chị Tâm khẳng định, mức hưởng này chẳng thấm vào đâu so với các chi phí khi sinh con.

“Mặc dù tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo khả năng nhưng tôi cũng cố đóng ít nhất 500.000 đồng/tháng. Đóng tối thiểu 6 tháng chỉ nhận lại 2 triệu đồng là khá thấp trong khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cùng ở mức này (10,5%) đã được hưởng trên 20 triệu đồng tiền thai sản” - chị Tâm nói.

Do đó, chị Tâm đã kiến nghị nên điều chỉnh mức hưởng theo số tiền đóng, dao động từ 2 đến 10 triệu đồng để công bằng hơn. Theo chị Tâm, tăng mức hưởng mới thôi thúc nhiều lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu ở mức thấp quá họ chắc sẽ cân nhắc có nên tham gia hay không.

Đồng tình với chị Tâm, chị Nhung cũng cho rằng, mỗi tháng hưởng ít nhất bằng 100% mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 6 tháng cuối cùng trước khi sinh con.

Lý giải thêm, chị Nhung cho hay, mức hưởng này mới đỡ đần được các chi phí khi sinh, nuôi con ban đầu. Ngoài ra, rất nhiều loại bảo hiểm thai sản thương mại hiện nay chi phí đóng chưa đến 3 triệu đồng nhưng được hưởng các quyền lợi lên đến 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo chị Nhung, ngoài mức hỗ trợ khi sinh con cũng nên bổ sung thêm các quyền lợi khác giống như bảo hiểm xã hội bắt buộc. Chẳng hạn như quyền lợi thăm khám thai hàng tháng cho lao động tự do.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn