MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bán hàng rong ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh: vũ minh

Lao động tự do mong kiếm được 100.000 đồng/ngày

Bảo Hân LDO | 23/06/2021 06:30
Bám trụ bán hàng ở vỉa hè Hà Nội đã 8 năm nay, chưa bao giờ chị Lê Thị Tuyết (quê huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) thấy khó khăn như thời gian này. Không mong muốn gì nhiều nhặn, chị Tuyết chỉ ước một ngày kiếm được 100.000 đồng để trang trải cuộc sống.

Khất nợ 2 tháng tiền thuê trọ

Cuộc sống vất vả khiến chị Tuyết già hơn nhiều so với tuổi 38 của mình. Giữa trưa hè tháng 6 nắng như đổ lửa, chị Tuyết cùng con gái ngồi võng nghỉ ngơi ngay trước khu nghĩa địa nằm trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Nhiều người “kiêng” và sợ chọn vị trí này, nhưng chị Tuyết lại rất ưng vì đoạn vỉa hè khá nhiều cây xanh, mát mẻ, gần nơi trọ. Ngoài lề đường, bày lổn nhổn những quả bí đỏ, bí đao.

Cũng như với nhiều người buôn bán ở lề đường, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của chị Tuyết. Gần một tháng qua, chị phải nghỉ ở nhà. “Chồng tôi sức khoẻ yếu nên chỉ ở nhà, không có thu nhập. Không bán được hàng, không có tiền, tôi phải khất chủ nhà trọ 2 tháng nay. Mỗi tháng tiền thuê trọ 800.000 đồng. Họ cũng biết được hoàn cảnh gia đình tôi nên chấp nhận”- chị Tuyết chia sẻ.

Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, mỗi ngày chị Tuyết bán hàng lãi được khoảng 200.000 đồng. Từ khi dịch bệnh xảy ra, hàng quán họa hoằn mới có khách ghé mua, có ngày không được đồng nào. Bây giờ, chị Tuyết chỉ mong mỗi ngày lãi được 100.000 đồng để chi trả sinh hoạt phí. Cuộc sống bức bối, khó khăn hơn khi ngoài tiền chi phí cho cuộc sống ở Hà Nội, hằng tháng, chị Tuyết phải gửi về quê 1,2 triệu đồng cho con út mới 6 tuổi ăn học.

Chị Tuyết càng buồn bã hơn khi con gái lớn, năm nay lên lớp 10 đã bỏ học giữa chừng. Trước đây, cháu sống ở quê, nhưng thấy cảnh nhà quá thiếu thốn đã nghỉ học lên Hà Nội phụ giúp bố mẹ. Tự nhận mình không biết chữ, chị Tuyết mong con có thể hoàn thành việc học tập để sau này kiếm việc làm tốt hơn, nhưng chị đành bất lực.

“Tôi có thể nhịn ăn nhưng không thể không đóng tiền học phí cho cháu, tôi đã cố thuyết phục cháu tiếp tục học mà cháu không nghe. Tôi dự định sắp tới sẽ xin cho cháu vào cửa hàng nào đó để làm công việc rửa bát, dọn dẹp, kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình” - chị Tuyết nói.

Thu nhập còm cõi, nên những bữa ăn của gia đình chị Tuyết rất tạm bợ. Trước đây, với 50.000 đồng chị có thể mua thịt cho cả gia đình, bây giờ, con số này phải gấp đôi. “Dù khó khăn đến đâu tôi cũng cố không để cháu nhịn thịt cá, còn tôi, bữa no bữa đói, có lúc phải ăn mỳ tôm. Thậm chí, có hôm hết tiền, cả gia đình mua 3 gói mì tôm 12.000 đồng và chút hành hoa, thế cũng xong bữa”- chị Tuyết kể. Chị Tuyết bảo, thấy lo thì cũng... chẳng giải quyết được gì, nên chị cố gắng gác lại ý nghĩ đó, đành tặc lưỡi “đến đâu thì đến”...

Cần gói hỗ trợ thích hợp

Chị Tuyết chỉ là một trong nhiều người bán hàng lề đường - lao động tự do - đang vật lộn trong dịch COVID-19. Nhiều người, do không buôn bán được đã phải tạm lánh về quê, chờ khi ổn định sẽ lại lên Hà Nội để kiếm sống. Họ không có nhiều lựa chọn, khi về quê rất khó để kiếm được việc làm, có thu nhập tồn tại qua ngày…

Trao đổi với phóng viên, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, dưới tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, đối tượng công nhân trong khu công nghiệp đã có sự hỗ trợ để họ bớt phần nào khó khăn. Cùng với đó, lao động phi chính thức bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng rất cần được hỗ trợ.

“Tại một số địa phương thực hiện phong toả, cách ly theo chỉ thị 15, 16, 19, các dịch vụ không thiết yếu như cửa hàng ăn, cắt tóc, gội đầu, buôn bán nhỏ… phải ngừng hoạt động, khiến những đối tượng lao động trong lĩnh vực này rất khó khăn. Họ buôn bán lẻ, nên nếu chỉ đóng cửa 1-2 tuần là họ đã không có nguồn hỗ trợ”- bà Ngân cho biết.

Bà Ngân nói thêm, ở các đợt dịch trước, tại một số địa phương có nguồn ngân sách lớn đã chủ động hỗ trợ các nhóm đối tượng, trong đó có những người bán hàng rong. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nguồn ngân sách không lớn nên chưa thể hỗ trợ đối với những đối tượng này.

Bà Ngân cho hay, gói hỗ trợ mà Bộ LĐTBXH đề xuất đã có đối tượng là hộ kinh doanh gia đình, nhưng những lao động phi chính thức như bán hàng rong chưa được đưa vào diện hỗ trợ. Vì vậy, bà Ngân cho rằng rất cần có gói hỗ trợ thích hợp đối với đối tượng lao động phi chính thức, lao động tự do để họ phần nào vượt qua khó khăn. “Điều này cũng góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bởi những đối tượng này làm lĩnh vực dịch vụ”- bà Ngân phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn