MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động tự do ngậm ngùi vì không có thưởng Tết

Minh Hương LDO | 06/12/2022 21:35
Gần cuối năm, vấn đề về thưởng Tết của người lao động lại được đưa ra bàn tán. Nhưng thưởng Tết đa phần chỉ dành cho người  lao động ký hợp đồng lao động trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập... còn với lao động phi chính thức, thưởng Tết là điều gì đó rất xa xỉ.
 Với lao động phi chính thức, thưởng Tết là điều gì đó rất xa xỉ. Ảnh: Minh Hương.

Nhắc đến thưởng Tết, anh Trần Văn Huân (31 tuổi, Hà Nội) - tài xế công nghệ có phần chạnh lòng. Cách đây 4 năm, anh Huân cùng vợ từ quê Phú Thọ đến Hà Nội xin làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

2 năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vợ chồng anh nghỉ hẳn ở công ty. Khi dịch bệnh lắng xuống, anh Huân chạy xe ôm công nghệ, còn vợ làm nhân viên bán hàng ở chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh).

Không có tiền thưởng, đề bù đắp thu nhập, những tháng cận Tết, anh Huân tăng giờ chở khách. Nếu giờ nào trống khách đặt, anh nhận thêm giao hàng. Tháng 11 vừa qua, thu nhập của nam tài xế tăng thêm 2 triệu đồng/tháng.

Có 2 người con đều gửi ở quê nhờ ông bà nội chăm sóc, mỗi dịp Tết đến, như bao lao động xa quê khác, vợ chồng anh Huân đều mong muốn có tiền thưởng để sắm sửa. Tuy nhiên, là lao động tự do không có hợp đồng lao động, vợ chồng anh Huân đành ngậm ngùi.

Anh Hoàng Văn Toàn (35 tuổi, quê ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) là một tài xế taxi truyền thống ở Hà Nội. Anh Toàn mua lại chiếc xe của hãng với hình thức trả góp 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng anh còn phải đóng từ 2 đến 2,5 triệu đồng gồm chi phí bộ đàm, logo, thương hiệu...

Công việc của anh Toàn thường bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối hoặc ngược lại. Sau khi trừ đi tất cả chi phí, thu nhập còn khoảng 13 triệu đồng/tháng.

Theo ILO Việt Nam, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế để khuyến khích lao động phi chính thức được thực hiện ký kết hợp đồng lao động. Ảnh: Minh Hương.

Trước khi trở thành tài xế taxi, anh Toàn lái xe cho cán bộ của một cơ quan Nhà nước. Thời gian bó hẹp, lương 5-6 triệu đồng/tháng, anh quyết định xin nghỉ việc. Tại nơi làm cũ, anh được ký hợp đồng, đến kỳ lễ, Tết sẽ được thưởng nhưng không cao.

Gắn bó với công việc hiện tại 6 năm, anh Toàn cho biết - chẳng bao giờ biết đến thưởng Tết. Tuy nhiên, vào những tháng cận Tết hoặc ra Tết, anh thường được khách hàng "bo", nếu gặp khách "sộp", mỗi ngày cũng được thêm vài trăm nghìn đồng. "Với tôi, như vậy được coi là thưởng Tết rồi" - nam tài xế nói.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây cho thấy hiện Việt Nam có 33,632 triệu lao động phi chính thức. Lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ rất cao trong các ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Lao động phi chính thức tồn tại như một thành phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay. 

Đại diện của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, lao động phi chính thức thường có mức độ bảo vệ kém, không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, không được bảo đảm an sinh khi bị ốm, nghỉ hưu, thưởng Tết... Những điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong toàn xã hội.

Theo các chuyên gia của ILO tại Việt Nam, nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội; bổ sung các hình thức thụ hưởng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong Luật Bảo hiểm xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn