MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu nhập từ bán hủ tiếu chỉ đủ để gia đình anh Trần Phùng (TP.Dĩ An, Bình Dương) trang trải tiền thuê trọ và tiền ăn. Ảnh: Đình Trọng

Lao động tự do ở Bình Dương chật vật kiếm sống

Đình Trọng LDO | 09/12/2021 10:08
Dịch bệnh COVID-19 đợt thứ 4 đã khiến nhiều người lao động ở Bình Dương bị mất việc trong thời gian dài. Đến nay, dù cuộc sống đã dần trở lại bình thường nhưng người buôn bán nhỏ, lao động tự do vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm xa quê, nhiều người chưa dám nghĩ đến việc về ăn Tết...

Chỉ đủ duy trì mặt bằng

Theo ghi nhận, đến nay tỉnh Bình Dương đã bước sang tháng thứ 3 chuyển sang trạng thái bình thường mới. Có khoảng 85% doanh nghiệp với trên 800.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc. Cuộc sống của nhóm lao động có giao kết hợp đồng đã từng bước ổn định hơn. Trong khi đó, những người buôn bán nhỏ, lao động tự do, đời sống còn bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Anh Lê Anh Hựu (41 tuổi, quê Vĩnh Phúc) sinh sống bằng nghề bán buôn và sửa xe đạp trên đường ĐT 743 phường An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương cho biết, dù đã được mở cửa để làm việc trở lại nhưng chỉ cầm chừng. Năm nay gần như 6 tháng không buôn bán gì được, không có thu nhập. “Tôi ở địa bàn bị khóa chặt đông cứng suốt thời gian dài để phòng chống dịch bệnh. Cửa hàng phải đóng cửa 3 tháng liền. Đến nay tôi đã mở cửa trở lại, tuy nhiên, do con em lao động một phần đã về quê, một phần chưa đi học nên không có khách hàng. Tôi cố gắng sửa chữa xe đạp để có tiền bù đắp tiền thuê mặt bằng” - anh Hựu chia sẻ.

Cùng mưu sinh trên tuyến đường này, chị Lê Thị Hòa (40 tuổi, bán hàng rong) cho biết, trước đây đông công nhân lao động mỗi ngày cũng có thu nhập vài trăm nghìn đồng, sau khi chi tiêu còn chút ít để tiết kiệm. Đến nay, nhiều người lao động về quê, bán được rất ít, thu nhập chỉ đủ chi tiêu trang trải cuộc sống hằng ngày. “Tôi bán nước và bánh mì, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khách rất ít. Thu nhập hiện chỉ đủ mua đồ ăn mỗi ngày. Trong khi đó còn trả tiền thuê trọ, tiền ăn học cho con gái cấp 1 và con trai đang học nghề. Thời điểm cuối năm với những người lao động xa quê là rất khó khăn” - chị Hòa chia sẻ.

Ở sát bên khu công nghiệp Sóng Thần 1 (TP.Dĩ An, Bình Dương), anh Trần Phùng (41 tuổi, quê Quảng Ngãi) sinh sống bằng bán hủ tiếu cho biết, thu nhập hiện tại chỉ đủ trả tiền mặt bằng và duy trì cuộc sống eo hẹp. “Tôi thuê kiot 12m2 vừa ở vừa tận dụng vỉa hè kê tủ bán hủ tiếu. Trước dịch, thì việc buôn bán đủ để gia đình 4 người sinh sống. Nhưng sau dịch, chỉ còn 60-70% khách trở lại ăn. Tiền lời chỉ đủ trả mặt bằng và chi tiêu gia đình”.

Không có tiền tiết kiệm để về quê

Những tháng cuối năm, người lao động xa quê luôn sống trong tâm lý chộn rộn. Điều họ mong muốn nhất là dành dụm được một ít tiền để về quê ăn Tết đoàn tụ cùng người thân và cho con cái thăm ông bà. Tuy nhiên dịch bệnh kéo dài tiếp tục cản trở ước muốn giản dị này. “Đã nhiều năm liền tôi không về quê dịp Tết, năm nay Tết đến rất gần rồi mà không dám nghĩ chuyện về quê. Vì dịch bệnh, kinh tế khó khăn, chúng tôi không có tiền tiết kiệm. Trong khi đó đi lại cuối năm chi phí đắt đỏ, dịch bệnh còn phức tạp nên lại ăn Tết xa quê thôi. Chỉ thương bố mẹ ở quê đã già nhớ con nhớ cháu nhưng nhiều năm chưa được gặp lại” - chị Lê Thị Hòa buồn rầu khi nhắc đến việc về quê.

Bà Giang Thị Hà (60 tuổi, quê Hà Nội) làm tạp vụ tại thị xã Bến Cát cũng chung tâm trạng này. Bà Hà đi xa quê đã lâu nên rất nhớ, muốn về ăn Tết nhưng không có tiền tiết kiệm để về. “Năm nay dịch bệnh khiến chúng tôi phải nghỉ việc suốt 4 tháng. Không có thu nhập, chi phí sinh hoạt thời gian nghỉ ở nhà phải lấy từ tiền tiết kiệm. Năm nay lại xác định ăn Tết xa quê” - bà Hà cho biết.

Dù là thời điểm cuối năm, tuy nhiên việc làm cũng chưa đa dạng nên những lao động tự do cũng chưa thể tìm được thêm công việc để có thu nhập. Tại thành phố Dĩ An, bà Trần Thị Thu Hiền (47 tuổi, quê Nghệ An), trước đây làm công nhân may, giờ ở nhà giữ trẻ. Tuy nhiên do dịch bệnh, người lao động gửi con về quê nên bà cũng chỉ giữ được 3 cháu với thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Buổi tối bà còn nhặt thêm hạt điều nhưng do dịch bệnh nên cũng không có hàng để làm thêm. Với thu nhập eo hẹp, bà Hiền cho biết chỉ đủ chi tiêu tằn tiện cho gia đình, không dám nghĩ đến việc về quê ăn Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn