MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động tự do: Tết là... gánh nặng

Chân Phúc LDO | 22/12/2021 11:40

Trở lại làm việc sau thời gian dài phải tạm ngưng vì dịch COVID-19, những lao động tự do, làm công ăn lương theo ngày đã không ngần ngại tăng ca, làm việc từ 10-12 giờ/ngày, thậm chí 15 giờ/ngày vì mong muốn có thêm tấm áo mới cho con, cháu khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần hay chỉ đơn giản là để... chạy cơm từng bữa.

Liên tục tăng ca, làm việc 10-15 giờ/ngày

Hơn 2 tháng nay, gần như không ngày nào anh Nguyễn Tuấn (quê tỉnh Bình Dương) - tài xế chạy xe công nghệ tại TPHCM - về nhà trước 0h đêm. Sáng, anh Tuấn thường rời nhà lúc 9 giờ và về nhà khi đồng hồ đã điểm sang ngày hôm sau.

“Mấy tháng liền phải ở nhà, tích góp được ít tiền để phòng hờ lúc ốm đau, bệnh tật thì thời gian giãn cách xã hội phải đưa ra sử dụng gần hết. Giờ được đi làm lại phải tranh thủ thời gian đi kiếm tiền, dịch vẫn còn phức tạp ai biết được ngày mai sẽ thế nào, cứ đi làm được ngày nào thì phải cố gắng ngày đó” - anh Tuấn bộc bạch.

Anh Nguyễn Tuấn thường xuyên làm việc từ 12-15 giờ/ngày, trở về nhà khi đồng hồ đã điểm sang hôm sau. Ảnh: Chân Phúc

Anh Tuấn cho biết, anh lên TPHCM đến nay đã hơn 5 năm, bén duyên với nghề tài xế xe công nghệ này hơn 2 năm trước và gắn bó với nghề này từ đó đến nay.

Anh Tuấn kể: Gia đình không mấy khá giả, lại đông anh chị em, bố mẹ cũng không lo được gì cho mình nhiều, lớn rồi phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân. Tết cũng gần tới, muốn về quê có thêm cái gì gọi là quà cho bố mẹ và các cháu, nên chấp nhận chịu khó vất vả thêm xíu.

Sau giãn cách, một số dịch vụ chưa được phép hoạt động, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn chính vì vậy mà người sử dụng dịch vụ xe công nghệ không được nhiều như xưa, thu nhập cũng vì thế mà giảm đi. Nếu như trước kia làm ngày 8-12 giờ có thể thu về 400.000-500.000 đồng/ngày nhưng thời gian hiện nay khá bấp bênh, ngày được ngày không. Hôm nào may mắn mới được số ấy, không thì không được.

Cũng là một tài xế lái xe như anh Tuấn, anh Nguyễn Nam (ngụ quận Bình Thạnh) bén duyên với nghề tài xế xe công nghệ hơn 2 năm trước cũng đang không ngừng tăng giờ làm lên hằng ngày, đặc biệt từ sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội.

Tháng 8 vừa qua, gia đình anh Nam đón tin vui khi có thêm thành viên mới, nhưng đi kèm cùng với niềm vui đó cũng là sự lo lắng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.

“Trước chỉ có 2 vợ chồng, thế nào rồi cũng xong. Nhà cửa không lớn nhưng cũng có chỗ chui ra chui vào. Nhưng từ ngày có con, thêm miệng ăn mà lại bớt đi người làm - vợ đang nghỉ sinh, chưa đi làm lại, thu nhập vì thế cũng giảm đi, cuộc sống không khỏi khó khăn hơn. Bản thân thì thế nào cũng chịu được nhưng con còn nhỏ, chi phí chăm con rất lớn. Không còn cách nào khác là phải cố gắng ở ngoài đường ngày thêm vài giờ, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó” - anh Nam tâm sự.

Tết cũng như ngày thường

“Tết thì buộc phải về chứ ở quê còn gia đình, người thân và chuyện hương khói cho ông bà tổ tiên. Nhà cô ăn Tết nhỏ lắm, cũng như ngày thường thôi, chứ tiền đâu mà ăn Tết lớn" - bà Đoàn Thị Thanh (quê tỉnh Bình Thuận) mở đầu câu chuyện với chúng tôi khi đang sắp lại ít hàng (bìa cát tông) vừa mua được của người dân trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, THCM).

 Tết đối với những người lao động tự do, thu nhập thấp như bà Đoàn Thị Thanh thì cũng như ngày thường. Ảnh: Chân Phúc

Bà Thanh cho biết, bà vào TPHCM tính đến nay đã hơn 15 năm, hiện làm công việc buôn ve chai để vừa kiếm sống vừa nuôi con gái đang học đại học.  

“Hồi xưa sức khỏe còn tốt, đi được nhiều nơi, tôi cũng mua được nhiều hàng. Nhưng nay sức khỏe dần yếu đi, số lượng hàng mua được cũng ít, vì thế mà thu nhập cũng chẳng được là bao. Hằng ngày, tôi chỉ dám loanh quanh ở khu vực quận 5, quận 1 này thôi, không dám đi xa, sợ không về được. Sau giãn cách được mấy ngày đầu do lâu ngày không ai đi ra ngoài, hàng nhiều nhưng đến nay thì đã ít đi trông thấy. 6 giờ sáng là ra khỏi nhà đi làm, 7-8 giờ tối mới về đến nhà nhưng thu nhập cũng chỉ được chừng 100.000 - 150.000 đồng/ngày” - bà Thanh chia sẻ.

Theo bà Thanh, với số tiền thu nhập trên chỉ đủ để bà đóng tiền trọ, tiền sinh hoạt hằng ngày và chu cấp ít cho cô con gái. “Làm quần quật cả ngày, đầu năm đến cuối năm cũng không dư được đồng nào, chỉ mong con gái sớm học xong, đi làm có công việc ổn định. May ra đến thời gian ấy, cuộc sống mới đỡ được phần nào chứ giờ mà không may đổ bệnh thì không biết lấy tiền đâu chạy chữa, còn chuyện Tết nhất thì cũng xem như ngày thường.

Tết đến thì những nỗi lo cũng đến, những khoản vay cũng phải tìm cách để trả. Giờ chỉ lo làm việc, cận ngày thì về quê, lo chuyện hương khói cho ông bà tổ tiên, thăm họ hàng người thân ít hôm, ra đến mùng 4, mùng 5 thì sẽ vào lại TPHCM để còn đi làm, chứ không ở lâu đâu” - bà Thanh nói.

Trường hợp của bà Thanh, anh Tuấn hay anh Nam đang là hoàn cảnh chung của hàng nghìn người lao động tự do tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung. Dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp, cuộc sống của những mảnh đời lao động tự do kiếm sống theo ngày vốn đã khó khăn nay càng trở nên vất vả hơn.

Tết Nguyên đán đang đến gần cũng đồng nghĩa với những nỗi lo, những gánh nặng trở nên nhiều hơn khi những đứa con nhỏ ở nhà đang chờ manh áo mới từ người cha, người mẹ đang quần quật làm việc 10-15 giờ/ngày hay những những tờ hóa đơn tiền thuê nhà, tiền điện đã đến ngày đóng nhưng khi trong túi lại rỗng tuếch. Nói đến Tết, họ chỉ biết chậc lưỡi, thở dài!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn