MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm đạm bạc của nhóm lao động tự do mắc kẹt trong khu lán trại ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Tất Thảo

Lao động tự do thiếu thốn, mắc kẹt trong lán tạm

Tất Thảo LDO | 21/08/2021 06:30
Nhóm 6 lao động tự do làm nghề phụ hồ tại tổ 17, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội đang mắc kẹt trong khu lán tạm khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Cuộc sống của họ đang rất khó khăn, thiếu thốn.

Mong được về nhà

Nơi sinh sống của 6 lao động tự do là lán tạm chật hẹp, quây bằng tấm bạt. Mới đây, họ còn ở trong phòng trọ, nhưng hơn 1 tuần nay, do hết tiền, họ đành phải chuyển ra khu lều tạm này - vốn là chỗ nghỉ ngơi ban ngày trước đây của họ.

Gần trưa, 2 chiếc quạt chạy hết công suất cũng không xua đi được cái nóng ngột ngạt. Mồ hôi rịn ra trên áo. Khuôn mặt ai cũng khắc khổ, ánh mắt đầy lo lắng.

Bữa cơm được một chị “phụ trách hậu cần” trong nhóm bê ra lỏng chỏng món rau muống xào, lạc rang và vài quả trứng - món quà hỗ trợ từ một nhà hảo tâm. Mọi người ăn uống trong nóng bức, rồi tráng miệng bằng quả ổi được hái ở gần đó.

Anh Bùi Trung Sĩ (sinh năm 1990) trông già hơn nhiều so với tuổi của mình. Anh Sĩ cho biết, trước đây, khi chưa thực hiện giãn cách, anh và các đồng nghiệp được cai thầu thuê xây dựng công trình nhà dân. Công việc làm thợ xây của anh khá vất vả, được trả 300.000 đồng/ngày. Anh không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội. “Nếu đi làm đều, tôi kiếm được 9-10 triệu đồng/tháng” - anh Sĩ cho hay.

Hoàn cảnh của anh Sĩ khá éo le. Vợ anh mất cách đây 3 năm vì bệnh hiểm nghèo, để lại cho anh một người con, năm nay lên lớp 1. Hiện cháu đang được gửi ở nhà cho ông bà trông. Khi Hà Nội chuẩn bị giãn cách xã hội, anh cũng có ý định về quê ở Thanh Hoá, nhưng biết tin khi về phải đi cách ly, tốn tiền, nên anh đành chọn phương án ở lại. Thời điểm đó, anh Sĩ cứ nghĩ 2 tuần giãn cách sẽ sớm trôi qua, rồi mình sẽ được trở lại làm việc, kiếm tiền, nhưng không ngờ Hà Nội vẫn tiếp tục giãn cách xã hội, khiến anh kẹt tại đây.

Anh Sĩ chia sẻ, khi bắt đầu giãn cách, cai thầu có ứng trước cho mỗi người 1 triệu đồng. Trải qua gần một tháng ăn ở tại đây, số tiền này đã gần hết. “Chúng tôi chỉ còn vài trăm nghìn đồng trong tay. Vừa rồi, một chị trong nhóm tôi phải lên Zalo kêu gọi hỗ trợ. Phường, người dân cũng hỗ trợ về thực phẩm cho chúng tôi nên đỡ lo lắng đi phần nào” - anh Sĩ cho biết.

Do ăn ở tạm bợ gần 1 tháng nay trong tình cảnh thiếu thốn, không có việc làm, thu nhập, nên anh Sĩ rất lo lắng.

Bao giờ mẹ mua vở cho con?

Chị Bùi Thị Hoà (sinh năm 1990) là 1 trong 2 phụ nữ của nhóm lao động tự do này. Quê ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, chị tha hương làm nghề phu hồ này để mưu sinh. Giống như anh Sĩ, chị Hoà có hoàn cảnh khá éo le: Chồng chị mất vì tai nạn, để lại cho chị con gái năm nay vào lớp 6. Người con đang được gửi bên ông bà ngoại. Cứ một tháng làm phụ hồ, chị lại về quê nghỉ một tuần để có thời gian chăm sóc cho con, bảo ban con học hành, rồi lại đi làm tiếp. Mỗi ngày, chị được trả công 250.000 đồng. Nếu làm đều, một tháng chị được khoảng 7-8 triệu đồng. Chị gửi về cho ông bà 2 triệu đồng để trông nom cháu; còn lại là để trả nợ tiền xây ngôi nhà ở quê và chi tiêu sinh hoạt cá nhân khi xa nhà.

Thời gian này, không được đi làm, chỉ ngồi ở trong lán tạm, chị Hòa hay gọi điện về hỏi thăm con hơn. “Hôm trước cháu nói với tôi: “Bạn bè con ai cũng được mua vở trước khi vào nằm học mới rồi mà con chưa có, mẹ gửi tiền về cho con mua nhé”. Tôi nghe mà thương cháu, nhưng vì chẳng còn tiền nên không dám nói với cháu, chỉ hứa là để mẹ gọi cho “cai” xem sao” - chị Hoà buồn bã nói.

Chị Hoà mong dịch sớm được kiểm soát để chị được về quê thăm con, sau đó được tiếp tục đi làm để có thêm thu nhập, nuôi con ăn học.

“Nếu bây giờ được phép thì tôi sẽ về quê, mặc dù có thể phải tốn chi phí cách ly. Về nhà dù sao cũng còn có nhà, người thân, được gần con” - chị Hoà và anh Sĩ bộc bạch sau quãng thời gian họ phải chịu đựng vừa qua và khi nghĩ đến những ngày chênh vênh sắp tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn