MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tống Giáp.

Lao động về hưu cũng là lao động chất lượng cao, nguồn lực quý hiếm

HẠNH AN LDO | 26/12/2023 12:09

Theo Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, với lượng lao động về hưu còn trẻ, họ là lao động chất lượng cao, nguồn lực quý hiếm khi đã có 30-40 năm công tác. Do đó, các bộ, ban ngành, cơ quan cần quan tâm, sử dụng nguồn lao động này.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 tổ chức sáng 26.12, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trân trọng kết quả mà Bộ và các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) địa phương thực hiện trong thời gian qua.

Công việc của ngành LĐTBXH bao gồm nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, phải lo cho con người từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, thậm chí hương khói, tri ân các thế hệ liệt sĩ. Bà Doan nhận xét, kết quả làm được là nỗ lực của cả lãnh đạo lẫn cán bộ nhân viên Bộ LĐTBXH.

Về lĩnh vực lao động việc làm, sau dịch COVID-19, thị trường lao động xáo trộn, trong đó có người xin nghỉ việc, người xin rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất buộc thôi việc lao động. Vấn đề việc làm với người lao động hết sức quan trọng.

Bà phân tích, năm 2023, tình trạng khó khăn chung ảnh hưởng nhiều đến việc làm của người lao động. Cả Bộ đã hết sức cố gắng để trong bối cảnh đó, tỉ lệ người lao động có việc làm lại tăng lên. Đó là điểm sáng, đến từ nỗ lực của việc kết nối cung cầu giữa địa phương với Trung ương, giữa doanh nghiệp và người lao động.

Về chăm sóc người có công, chăm sóc người nghèo, Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, đây là điểm sáng mà tất cả lãnh đạo Đảng, nhà nước hết sức quan tâm, dưới sự tham mưu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thời gian gần đây, vấn đề chăm sóc người có công đã có nhiều chuyển biến tốt, giúp gia đình, bản thân thương binh, liệt sĩ ấm lòng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng được chăm sóc tốt hơn.

Về vấn đề đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, các chương trình hướng nghiệp chưa đầy đủ. Đơn vị cơ sở đào tạo nghề mới chỉ tổ chức vài buổi để phổ biến chương trình hướng nghiệp, kết nối thị trường.

Bên cạnh đó, việc liên thông trong học nghề vẫn còn gặp khó khi việc tuyên truyền chưa đủ mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh. Nhiều gia đình vẫn mong muốn cho con học đại học thay vì học nghề. Song, trong bối cảnh đó, kết quả đào tạo nghề vẫn rất đáng trân trọng.

Thời gian tới, bà Doan nêu một số gợi ý như chế độ chính sách cho người nghèo hiện còn thấp, cần cải thiện hơn. Thực tế, có một số đối tượng không muốn thoát nghèo, đó là điểm trái của chính sách phúc lợi xã hội cần phải khắc phục. Chính sách làm sao phải tạo động lực vươn lên với cả xã hội, không ai được lười, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Vấn đề khác, nguyên Phó Chủ tịch nước băn khoăn là tốc độ tăng năng suất lao động hiện còn thấp, chưa theo kịp các nước trong khu vực. Điều này là nghịch lý so với điều kiện lao động dồi dào của Việt Nam. Như vậy, giáo dục, dạy nghề vẫn là điểm nghẽn cần tháo gỡ với thị trường nguồn nhân lực, để cải thiện chất lượng lao động, năng suất lao động.

“Chúng ta cần phải thực hiện phong trào thi đua, đẩy mạnh học tập suốt đời. Tập trung đầu tư giáo dục đào tạo, con người để có nguồn lao động chất lượng cao. Hiện nay, lượng lao động về hưu còn trẻ, họ là lao động chất lượng cao, nguồn lực quý hiếm khi có 30-40 năm công tác” - Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bà Doan cũng kêu gọi nguồn lao động này cần được các bộ, ban ngành, cơ quan cần quan tâm, sử dụng. Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng tham gia đào tạo giáo viên dạy nghề, hướng nghiệp có chất lượng. Chương trình hướng nghiệp phải được giảng dạy trong các trường đại học một cách chuyên nghiệp như ở những nước đang phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn