MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở Đắk Lắk chăm bón cho cây cà phê trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Bảo Trung

Lao động về quê mắc kẹt: Khó tìm được việc làm

Nhóm PV Tây Nguyên LDO | 16/09/2021 09:58

Sau khi từ TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về khu vực Tây Nguyên tránh dịch COVID-19, rất nhiều người lao động đang lâm vào cảnh thất nghiệp, sống lay lắt, tạm bợ qua ngày. Mong muốn duy nhất trong lúc này của họ là tìm kiếm được một công việc phù hợp để có chi phí trang trải gánh nặng cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhiều người "đỏ mắt" đi nộp hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng vẫn chưa được tiếp nhận...

Cả chục nghìn lao động mòn mỏi tìm việc

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Gia Lai, địa phương có khoảng 17.000 công nhân lao động hồi hương sau các đợt dịch COVID-19. Ngoài số công nhân Gia Lai chủ động đón về, lao động tự do về tự phát rất nhiều. Hiện, các công nhân trở về đã hết thời hạn cách ly y tế, nhiều người ở nhà bên gia đình, người thân nhưng khó hy vọng tìm được công việc. 

Chị Puih Bia (21 tuổi, TP.Pleiku, Gia Lai) tâm sự: "Vừa qua, tôi trở về từ tỉnh Bình Dương. Nhiều năm làm công nhân may ở nhà máy, lương cũng chỉ đủ ăn, trang trải sinh hoạt. Mới qua 3 tháng dịch bệnh, số tiền trong túi cũng cạn dần kèm theo nỗi lo lắng ngày một tăng nên bỏ về quê. Trở về quê nhà, tôi vội tìm kiếm thông tin tuyển dụng, tờ rơi ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Tôi làm đơn xin việc tại các công ty caosu ở huyện Chư Prông. Tuy nhiên, giám đốc các nông trường đang hứa hẹn và bảo chờ thời gian dịch bệnh ổn định mới có quyết định tuyển dụng. Vì mình rời bỏ công ty trước, nên giờ quay lại rất khó được chấp nhận".

Cũng trở về Gia Lai từ tỉnh Bình Dương hơn một tháng qua, H’Lương (23 tuổi, trú xã Ia Der, huyện Ia Grai) bắt đầu hỏi thăm qua bạn bè, người thân quen để kiếm việc làm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, sau nhiều lần gõ cửa nhiều doanh nghiệp, H’Lương chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bởi nhiều nhà máy, xí nghiệp ở đây còn phải luân phiên, cắt giảm công suất, cắt giảm số lượng nhân công làm việc.

“Ruộng vườn ở quê ít, đời sống khó khăn, các khoản thu nhập không đáng bao nhiêu nên mới vào Nam tìm việc. Giờ em đang hy vọng các nhà máy nối lại sản xuất để xin vào làm việc dù mức lương có thấp hơn so với ngày thường, miễn là có khoản tiền nhỏ để sống sót qua mùa dịch bệnh”, H’Lương tâm sự.

Tại Đắk Lắk, ước tính có hơn 80.000 lao động trở về địa phương do dịch COVID-19. Phần lớn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Ai cũng mong tìm kiếm việc làm mới. Chị H'Nhíp (huyện Krông Ana) - bày tỏ: "Tôi làm việc đã 10 năm nay ở một công ty sản xuất da giày tại Đồng Nai, vì thấy dịch nguy hiểm quá nên cuối tháng 7 phải trở về quê. Tuy nhiên, khi về quê tôi cũng phải ở nhờ nhà người thân, chồng vẫn kẹt lại Đồng Nai. Thời gian qua, cuộc sống chật vật không có thu nhập phải ăn nhờ ở đậu mãi. Tôi cũng muốn tìm kiếm công việc để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng dịch bệnh kéo dài, đi xin nhưng không có doanh nghiệp nào nhận". 

Tương tự, anh Huỳnh Khắc Hồ (huyện Krông Ana) làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện thiết bị điện tử ở Đồng Nai. Hơn 1 tháng trước, anh Hồ phải chạy xe máy từ Đồng Nai về Đắk Lắk tránh dịch. Về quê, anh vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, phải sống bám bố mẹ. Mong muốn duy nhất của anh Hồ lúc này là được tiêm vaccine, tìm kiếm được một việc làm phổ thông, khỏi phải "ăn không ngồi rồi".

Quyết liệt vào cuộc

Hầu hết công nhân lao động vừa trở về Tây Nguyên mong muốn được tiêm vaccine, chờ dịch bệnh được kiểm soát để quay trở lại nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh thành khu vực phía Nam. Những khoản gạo cứu đói mùa dịch và tiền hỗ trợ COVID-19 cũng chỉ giúp họ kéo dài sự cầm cự lúc khó khăn. Nếu quê nhà có nhiều nhà máy, khu công nghiệp đảm bảo công ăn việc làm thì họ cũng sẽ ở lại gắn bó lâu dài, nhưng điều này từng không đáp ứng nên họ mới tha phương.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số đều là người về từ các tỉnh vùng dịch phía Nam. Qua đó, chi trả hơn 75 tỉ đồng tiền trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề theo quyết định cho các đối tượng. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã giao Sở LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án hỗ trợ cho số lao động này và tạo việc làm nếu họ quyết bám trụ ở quê. 

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH Đắk Lắk - cho hay, các địa phương đang khảo sát nhu cầu tìm việc của những lao động hồi hương. Hiện, các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp tại tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng, chưng cũng chừng 6.000 lao động phổ thông. Thời gian tới, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ xem xét nhu cầu cụ thể để kết nối, giới thiệu để giải quyết việc làm cho số lao động đang thất nghiệp, nhưng rất khó đáp ứng hết lượng lao động hồi hương này.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã phối hợp tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm, mỗi phiên thu hút 300 đến 500 người tham gia để hỗ trợ lao động trở về từ vùng dịch dễ dàng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Vụ mùa cà phê với diện tích trên 80.000ha ở Gia Lai đang đến gần, việc đi lại giữa các địa phương thì đang gặp nhiều khó khăn. Hy vọng lực lượng lao động tại chỗ với 17.000 công nhân sẽ thu hoạch trên nương rẫy, góp phần giải quyết bài toán thiếu lao động địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn