MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM mong người dân ở lại và tham gia hoạt động lao động sản xuất để phát triển thành phố và bản thân người lao động. Ảnh minh hoạ: Nam Dương

Lao động về quê và bài toán đặt ra cho doanh nghiệp

ANH THƯ LDO | 07/10/2021 14:52
Dòng người từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê ngày càng đông. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động cho doanh nghiệp.

Trên chiếc xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc, anh Võ Văn Tài (25 tuổi, TP.Cần Thơ) đang chở hai con về quê tránh dịch một thời gian. Anh vốn là công nhân tại một công ty ở TP.Hồ Chí Minh.

Anh Tài nói về quê tránh dịch một thời gian, còn vợ anh vẫn còn ở thành phố và còn việc làm. Theo anh Tài, sắp tới công ty của anh hoạt động trở lại thì anh vẫn sẽ quay lại làm việc.

Anh Tài là một trong nhiều người lao động di chuyển về quê sau khi TP,Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội.

Chia sẻ tại toạ đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch", ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn cho hay, người lao động đều tập trung sống ở các xóm trọ, trong thời điểm giãn cách, hầu hết đều ở tại nơi trọ toàn thời gian khiến không gian sống chật hẹp, tạm bợ. Sống trong môi trường như vậy, nhiều người lao động sẽ muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do.

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội- cho hay: “Quá tình tiếp xúc cử tri ở Bến Tre, gặp gỡ người lao động từ TP.Hồ Chí Minh về Bến Tre và một số lao động khác về Trà Vinh, họ tâm tình thật là không còn gì để sống, bám trụ được. Người lao động có con nhỏ, khó khăn đủ điều. Cho nên, việc di tản này là nhu cầu sự sống thật sự của họ”.

Ông Phong cho rằng, họ không phải không lưu luyến thành phố. Đây vốn là nơi lập nghiệp, hi vọng đổi đời. Giờ nơi đó không còn cơ hội nữa, nên chọn về quê. 

“Họ mong một sự đùm bọc của quê hương để sống và chờ cơ hội khác. Điều này tạo hiệu ứng đám đông ùn ùn về quê. Thực trạng trên là hồi chuông cảnh báo trong các giải pháp chống dịch của nhiều địa phương trong thời gian qua còn lúng túng, mỗi nơi làm một kiểu khác nhau”-ông Phong nói.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng sẽ thiếu lao động cục bộ tại thành phố lớn là chắc chắn. Doanh nghiệp đã cố gắng tối đa trong khả năng của mình như kêu gọi, vận động chính quyền địa phương lo các gói an sinh, giữ chân người lao động trở lại. Nhưng người lao động không an tâm, vì mưu cầu sống còn nên họ trở về quê hương.

Ông Phong nhận định, bài toán này không giải được sẽ tạo hệ luỵ rất lớn trong phục hồi sản xuất.

“Giải pháp đầu tiên là phải an dân. Để người dân thấy được trở lại là an toàn và chấp nhận trở lại. Cần tạo cho người lao động có niềm tin. Bằng việc sống chung với dịch, việc tiêm vaccine… và những gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động thật sự. Cần làm một cách đồng bộ, triệt để”-ông Phong nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội, phải gỡ từ cái khó mà người lao động đang gặp phải về kinh tế, niềm tin. Để khắc phục được vấn đề này, cần có giải pháp đồng bộ các bộ ngành, địa phương.

Doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, nhiều doanh nghiệp không chịu đựng được đã rời khỏi thị trường.

"Vì vậy, giai đoạn dịch đang giảm, xu hướng ổn định trở lại nên doanh nghiệp càng quyết tâm hơn. Giữ chân người lao động là trách nhiẹm của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp sẵn sang thuê nhà ở xã hội, phòng ngừa dịch bệnh cho người lao động”- ông Phong nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn