MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn đồng hành cùng các công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với chuyên môn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc. Ảnh: Hải Anh

Lập danh sách người lao động đặc biệt khó khăn do COVID-19

Linh Nguyên LDO | 06/08/2020 08:33

Nhằm chung tay, đồng hành cùng doanh nghiệp ngăn ngừa, kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh và bảo vệ sức khỏe, đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, Công đoàn Dệt May Việt Nam đề nghị các công đoàn cơ sở thực hiện một số nội dung. Trong đó có lập danh sách những trường hợp người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đề nghị Công đoàn Dệt May Việt Nam trợ cấp. 

Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng yêu cầu các công đoàn cơ sở nghiêm túc và chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng ủy, Chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình; coi phòng chống dịch trong công nhân, viên chức, lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay nhằm góp phần ngăn ngừa, kiểm soát và không để dịch bệnh lây lan.

Tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại nơi làm việc cho toàn thể người lao động: Trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn tại nơi làm việc, nhà ăn, khu vực vệ sinh; tổ chức đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào làm việc. 

Tại các doanh nghiệp đóng trên các địa bàn có nguy cơ cao về dịch bệnh, bảo đảm khoảng cách an toàn tại nơi làm việc, hội họp, khi ăn ca, các khu vực công cộng theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch và phù hợp với điều kiện của đơn vị; tăng cường sử dụng phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp; bổ sung vitamin tăng cường sức khỏe cho người lao động; có quy định không tụ tập đông người khi nghỉ giữa ca, nghỉ trưa tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp thường xuyên vệ sinh mặt bằng, dụng cụ lao động và các phương tiện tiếp xúc cá nhân; vệ sinh các bề mặt tay nắm cửa, nút bấm thang máy... bằng dung dịch sát khuẩn. 

Trường hợp phát hiện người lao động/khách hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở, hoặc là ca bệnh, hoặc người tiếp xúc vòng 1, hoặc người tiếp xúc vòng 2 thì hướng dẫn người lao động/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, đồng thời phải báo cho người quản lý hoặc và cán bộ y tế tại nơi làm việc.

Nắm bắt diễn biến, tư tưởng và những khó khăn, vướng mắc của người lao động và doanh nghiệp để kịp thời chăm lo, hỗ trợ và giải quyết, tránh xảy ra những xung đột trong quan hệ lao động.

Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng trích từ kinh phí hoạt động Công đoàn số tiền 260 triệu đồng hỗ trợ một phần kinh phí cho các công đoàn cơ sở khu vực Đà Nẵng để phối hợp với người sử dụng lao động trang bị phương tiện, công cụ phòng dịch tại nơi làm việc cho người lao động.

Thay mặt Ban Thường vụ Công đoàn Dệt may Việt Nam, ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam khẳng định Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn đồng hành cùng các công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với chuyên môn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe, ổn định đời sống cho người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn