MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn khảo sát của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động và Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) ghi nhận ý kiến của NLĐ tại Công ty CP thêu may Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: H.A

Lập đoàn khảo sát ghi nhận phản ánh của người sử dụng lao động, NLĐ

Hoa Lâm LDO | 07/10/2021 08:46
Tổng LĐLĐVN đã giao Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động và Ban Quan hệ lao động thành lập đoàn công tác đi khảo sát đánh giá các mô hình “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh” để tìm hiểu những khó khăn, nguyện vọng, phản ánh của người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ), cán bộ công đoàn cơ sở…

Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và NLĐ

Ngày 6.10, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - cho biết, thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23.8.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, với phương châm: Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; triển khai công văn số 2856/LĐTBXH-ATLĐ ngày 26.8.2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất an toàn, phòng chống dịch COVID-19…

Tổng LĐLĐVN đã đề nghị Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động nghiên cứu xây dựng “các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quản lý về nơi làm việc an toàn, phòng chống dịch COVID-19, tâm sinh lý lao động và tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp; đồng thời, đánh giá tác động việc tạm dừng lao động, sản xuất do đại dịch COVID-19 đến điều kiện lao động sau khi doanh nghiệp trở lại sản xuất”.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động và Ban Quan hệ lao động đã thành lập đoàn công tác đi khảo sát đánh giá các mô hình “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh” qua đó tìm hiểu những khó khăn, nguyện vọng, phản ánh của người sử dụng lao động, NLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở để đề xuất phương án, giải pháp bảo đảm sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phù hợp với từng địa bàn, khu vực ngành nghề…

Từ ngày 24-30.9, đoàn công tác đã đến khảo sát tại các doanh nghiệp, công trường hoạt động trong vùng xanh thuộc TP.Hà Nội; tuỳ theo tình hình COVID-19 ở các địa phương, từ ngày 4-15.10, đoàn khảo sát sẽ tới một số doanh nghiệp tại các tỉnh thành phố như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Bà Hồ Thị Kim Ngân cho hay, được biết Bộ Y tế, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đang dự thảo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, sau khi có Hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo của Đoàn khảo sát, Tổng LĐLĐVN sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các cấp công đoàn căn cứ tình hình thực tế, phối hợp với doanh nghiệp và NLĐ từng bước khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả…

Hơn 5.062 tỉ đồng hỗ trợ DN và NLĐ

Ngày 4.10, tại Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4.0 và Hội thảo quốc tế “Nâng Tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh cho hay, có thể nói năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn đối với NLĐ cả nước. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu NLĐ; nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, NLĐ nghỉ việc, giảm thu nhập, đời sống vô cùng khó khăn.

Thời gian qua, Tổng LĐLĐVN đã cùng với các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tham mưu và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 30.9, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 5.062,165 tỉ đồng.

“Tổng LĐLĐVN cũng xây dựng đề án, chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu, tham gia với chủ sử dụng lao động, cũng như chính quyền có đào tạo lại cho công nhân lao động, đặc biệt khu công nghiệp, khu chế xuất” - ông Phan Văn Anh khẳng định.

Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục cùng với các ban, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tham mưu ban hành các chính sách nhằm khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của công nhân lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của NLĐ có kỹ năng nhất là NLĐ có tay nghề cao kỹ năng nghề nghiệp trong sản xuất.

“Tổng LĐLĐVN đã ban hành các quyết định về tỉ trọng chi cho các cấp công đoàn, yêu cầu các cấp công đoàn dành ít nhất 10% trong tổng số nguồn chi dành do công tác đào tạo cán bộ công đoàn, đoàn viên NLĐ nâng cao tay nghề và coi đây là điều kiện tiên quyết cho NLĐ để đảm bảo việc làm cũng như thu nhập” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn