MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đỗ Phương

Lấy ý kiến dự thảo quy định tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá

Minh Phương LDO | 26/03/2021 15:29
Ngày 26.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam (NĐNCVN).

Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chủ trì hội thảo.

Tính đến hết tháng 12.2020, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam có 86 Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với 17.397 đoàn viên và 5.387 tàu cá.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nam - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Ninh Hoà, LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà - cho biết, việc thu đoàn phí và kinh phí Công đoàn (CĐ) hiện nay gặp nhiều khó khăn, do đoàn viên nghiệp đoàn làm việc trên các tàu cá thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ, thu nhập thấp, không ổn định, phụ thuộc vào mùa vụ và sản lượng đánh bắt, trích kinh phí CĐ từ các chủ tàu hiện nay cũng chưa có quy định, vì vậy hiện tại được thực hiện linh hoạt theo thoả thuận của đoàn viên, chủ tàu từng nghiệp đoàn.

Ông Lương Luận - Chủ tịch CĐCS Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phú Đông, TP.Tuy Hoà, LĐLĐ tỉnh Phú Yên - bày tỏ, hiện nay, kích thước tàu thuyền khai thác nhỏ, máy móc, trang bị phục vụ khai thác cũ, việc đầu tư cải tiến rất tốn kém cùng với khả năng tài chính của nhiều ngư dân rất hạn chế, khó có thể đầu tư mua sắm trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để khai thác thuỷ sản và bảo quản sản phẩm.

"Các cấp cần quan tâm hỗ trợ cho ngư dân tiếp cận với nguồn vốn, cho vay ưu đãi đầu tư khai thác, chế biến dịch vụ hậu cần, hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề, bảo hiểm rủi ro trong sản xuất thuỷ sản; hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm thuỷ sản của địa phương, quảng bá sản phẩm, kết nối sản xuất với thị trường” - ông Luận nói.

Ông Trần Quang Toà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi - giãi bày, hiện tại, mô hình quản lý Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở chưa được thống nhất. Trong thực tế, đây là mô hình đặc thù và rất cần thiết, vì thế, ông đề nghị Tổng LĐLĐVN nên thống nhất trên cả nước về việc thành lập và quản lý các nghiệp đoàn theo hướng trực thuộc LĐLĐ các tỉnh, thành phố và có cơ chế hoạt động cũng như vận dụng chính sách về tài chính đặc thù riêng. Có như vậy, mô hình nghiệp đoàn mới được phát huy hiệu quả.

Ông Trần Văn Quý - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam - cho hay, sẽ nghiên cứu, đề xuất với Tổng LĐLĐVN, với Nhà nước trong việc xây dựng và tạo các mối quan hệ với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng như khu vực để tiếp thu, học hỏi các kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá, hỗ trợ đoàn viên, ngư dân các Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở khi có yêu cầu...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Thuật nói rằng, sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu, từ đó có cơ sở để sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế. Hội thảo cũng thống nhất đề nghị Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các Ban tham mưu xây dựng các quy định về tài chính để đảm bảo hoạt động hiệu quả của Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam và Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn