MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Hà Anh LDO | 19/07/2023 11:08

Thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu vừa ký văn bản Hướng dẫn thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 179/KH-TLĐ ngày 3.3.2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Tổng LĐLĐVN hướng dẫn thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 (dự thảo Báo cáo), cụ thể như sau:

I. Mục đích yêu cầu

1. Mục đích

Việc thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đoàn viên, người lao động và toàn thể nhân dân, qua đó phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong các cấp công đoàn để hình thành chủ trương, định hướng phát triển, đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 và những năm tiếp theo.

Giúp tổ chức Công đoàn nắm bắt được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo Báo cáo trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, trọng tâm là mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2023 - 2028.

2. Yêu cầu

- Bám sát nội dung gợi ý thảo luận của Tổng LĐLĐVN; việc thảo luận được tiến hành dân chủ, khách quan, thẳng thắn, góp ý trực tiếp vào các vấn đề cụ thể, không góp ý chung chung, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.

- Ý kiến thảo luận phải được chắt lọc, sắp xếp và tổng hợp theo nhóm nội dung các vấn đề thể hiện trong dự thảo Báo cáo.

- Bản tổng hợp phải thể hiện đúng tinh thần của các ý kiến, diễn đạt mạch lạc, trong sáng, thuận lợi cho việc tiếp thu; nêu rõ lập luận của những ý kiến cá biệt có nội dung sâu sắc, không bình luận, nhận xét theo ý kiến chủ quan của người tổng hợp.

II. Nội dung lấy ý kiến (Phụ lục kèm theo).

III. Đối tượng, hình thức lấy ý kiến

1. Đối tượng tham gia đóng góp ý kiến

- Đại biểu dự đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

- Cán bộ công đoàn các cấp; đoàn viên, người lao động và toàn thể nhân dân.

2. Hình thức tổ chức

- Tổ chức lấy ý kiến tại đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Đối với đơn vị tổ chức đại hội điểm trước khi hướng dẫn này ban hành thì tổ chức lấy ý kiến góp ý của Ban Chấp hành khóa mới mở rộng (bằng hình thức phù hợp).

- Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cán bộ, đoàn viên bằng văn bản, thông qua các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn.

- Đăng tải Dự thảo văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến.

3. Cách thức đóng góp ý kiến

- Đại biểu có thể tham gia ý kiến chung các nội dung dự thảo Báo cáo hoặc tập trung góp ý sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách, nội dung sở trường hoặc vấn đề quan tâm. Việc góp ý cần tiến hành theo trình tự các nội dung nêu trong dự thảo Báo cáo, tránh lặp lại ý kiến người khác đã nêu.

- Khuyến khích các cá nhân phát huy năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, góp ý bằng văn bản về những vấn đề quan tâm, đặc biệt là đề xuất nội dung, giải pháp mới đối với tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ mới.

IV. Hướng dẫn tổng hợp báo cáo ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo

1. Bố cục bản tổng hợp

Bản tổng hợp gồm 3 phần:

1.1. Phần nhận xét chung (có thể không cần tiêu đề): Nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận (mức độ sôi nổi, trao đổi, tranh luận...); xu hướng chung (nhất trí, không nhất trí...); nhận xét về quá trình chuẩn bị Báo cáo, chất lượng Báo cáo (tính công phu, nghiêm túc, nội dung, bố cục...).

1.2. Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung

Tổng hợp từng vấn đề theo trình tự bố cục của Dự thảo Báo cáo. Nếu có ý kiến góp ý, nhận xét chung cho dự thảo Báo cáo thì có phần những vấn đề chung, trước khi tổng hợp ý kiến của từng vấn đề theo trình tự bố cục. Tương tự, trong mỗi mục, vấn đề nếu có ý kiến góp ý chung thì tổng hợp những ý kiến chung trước khi nêu những góp ý cụ thể cho vấn đề đó.

1.3. Phần đề xuất, kiến nghị

Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến nội dung Dự thảo báo cáo, quá trình chuẩn bị và cách lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo...

2. Xác định số lượng và mức độ ý kiến

2.1. Số lượng ý kiến

Để việc tổng hợp được chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận tại đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với số đại biểu tham dự.

2.2. Mức độ ý kiến

Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hoá, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau.

Tùy điều kiện cụ thể về số lượng đại biểu, số lượng đầu mối trực thuộc để tổng hợp theo số lượng ý kiến (nếu xác định rõ số lượng) hoặc đánh giá theo các mức độ sau:

+ "Hầu hết ý kiến": Sử dụng khi có khoảng 3/4 trở lên số ý kiến có cùng chính kiến.

+ "Đa số ý kiến": Sử dụng khi có trên 1/2 đến dưới 3/4 số ý kiến có cùng chính kiến.

+ "Nhiều ý kiến": Sử dụng khi có trên 1/4 đến dưới 1/2 số ý kiến có cùng chính kiến.

+ "Một số ý kiến": Sử dụng khi có dưới 1/4 số ý kiến có cùng chính kiến.

+ "Có ý kiến": Sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó.

Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp. Đối với những vấn đề lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết.

3. Những vấn đề cần phản ánh nguyên văn

Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ở dòng, đoạn, trang nào trong dự thảo Báo cáo. Đối với những ý kiến góp ý có lập luận sâu sắc khác với dự thảo Báo cáo, cần được ghi lại đầy đủ, chính xác.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Đoàn Chủ tịch đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN có trách nhiệm chỉ đạo thư ký đại hội tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu dự đại hội công đoàn cùng cấp đối với dự thảo Báo cáo. Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của đại biểu dự đại hội sau khi được đại hội thông qua, gửi Tổng LĐLĐVN (qua Văn phòng Tổng LĐLĐVN) chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN căn cứ nội dung hướng dẫn này để chủ động tổ chức triển khai phù hợp trong các cấp công đoàn trực thuộc; tổng hợp ý kiến góp ý của đoàn viên, người lao động thuộc địa phương, ngành, gửi về Tổng LĐLĐVN trước ngày 30.10.2023.

3. Các cơ quan báo chí công đoàn có trách nhiệm đăng tải toàn văn dự thảo Báo cáo và mở chuyên mục lấy ý kiến góp ý của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động và toàn thể nhân dân đối với dự thảo Báo cáo.

4. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN giao Văn phòng Tổng LĐLĐVN, Tổ biên tập Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý của các ngành, địa phương, đoàn viên, người lao động và nhân dân, báo cáo Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN.

Trong quá trình thảo luận và tổng hợp ý kiến, nếu có vấn đề gì chưa rõ, cần phản ánh kịp thời với Tổng LĐLĐVN (qua Văn phòng) để báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch xem xét, hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn