MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: Nam Dương

Lấy ý kiến về chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý hệ thống công đoàn

Nam Dương LDO | 03/11/2022 11:58
Sáng 3.11, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương trong hệ thống công đoàn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật chủ trì hội thảo với sự tham gia của gần 50 cán bộ công đoàn làm công tác tổ chức ở các tỉnh, thành phía Nam, Công đoàn Caosu Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật nhấn mạnh: Đây là hội nghị rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác tổ chức cán bộ, trả lương cho các chức danh trong hệ thống công đoàn. Vì vậy, lãnh đạo các đơn vị trong hệ thống công đoàn cần nghiên cứu kỹ, bổ sung các chức danh chưa có trong dự thảo làm cơ sở để bố trí cán bộ, trả lương sau này.

Việc đề xuất phải phù hợp với Kết luận số 35-KL/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có tính kế thừa, hợp lý, có căn cứ thực tiễn và khoa học và làm rõ lý do đề xuất. Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ xem xét, quyết định.

Đại diện LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nam Dương

Hầu hết ý kiến tại hội nghị đều tán thành với dự thảo danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương trong hệ thống công đoàn do Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam chuẩn bị, đồng thời bổ sung về một số chức danh, hệ số lương cụ thể để phù hợp với thực tế hoạt động công đoàn tại địa phương. Một số ý kiến đề nghị không nên cào bằng hệ số lương của một số chức danh mà cần phân biệt đặc thù giữa tỉnh, thành có đông và ít đoàn viên, công nhân lao động.

Bà Quan Gia Bình - Phó Giám đốc Văn phòng B, Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, Văn phòng B, Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ văn phòng, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhà khách, bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam. Trong bối cảnh số lượng công nhân lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng, việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc quan hệ lao động trong doanh nghiệp…

Bà Quan Gia Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nam Dương

Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam… đòi hỏi phải có sự theo dõi sát sao tình hình công nhân lao động, nắm bắt thông tin nhanh chóng, để kịp thời góp phần tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trong hoạch định kế hoạch, chỉ đạo hoạt động công đoàn khu vực phía Nam. Chính vì thế, cần phải nâng cao vai trò, vị trí của Văn phòng B, Nhà khách Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn