MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BCH CĐ Viên chức tỉnh Bắc Giang (khóa V) cùng lãnh đạo CĐ Viên chức Việt Nam, Đảng ủy Các cơ quan tỉnh, LĐLĐ tỉnh tại Đại hội CĐ Viên chức tỉnh Bắc Giang lần thứ V, nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh: QUẾ CHI

LĐLĐ tỉnh Bắc Giang: Chú trọng đào tạo cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở

TẤT THẢO (thực hiện) LDO | 20/03/2018 07:55
Đến hết tháng 1.2018, 100% số CĐ cấp trên cơ sở của tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đại hội thành công theo đúng Điều lệ CĐ Việt Nam và chỉ đạo của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Bắc Giang. Theo đó, có 336 đồng chí trúng cử vào BCH, trong đó số ủy viên tham gia BCH lần đầu là 197 đồng chí.

LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch đào tạo cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động CĐ của đội ngũ này. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bắc Giang - về vấn đề này.

 Xin ông cho biết cụ thể hơn về đội ngũ tham gia các BCH CĐ cấp trên cơ sở sau các đại hội cấp này vừa qua?

- Tính đến tháng 1.2018, Đại hội của 17/17 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành đúng nội dung, yêu cầu, tiến độ của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh về tổ chức đại hội CĐ các cấp, tiến tới Đại hội CĐ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2018-2023 và Đại hội XII CĐ Việt Nam.

Kết quả đã có 336 đồng chí trúng cử vào BCH; trong đó nữ là 126 đồng chí, đảng viên là 320 đồng chí; số ủy viên tham gia BCH lần đầu là 197 đồng chí; tuổi bình quân là 43 tuổi. Trình độ chuyên môn trên đại học có 74 đồng chí, đại học là 241 đồng chí, cao đẳng là 6 đồng chí, trung cấp nghề là 14 đồng chí. Trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân là 80 đồng chí, trung cấp là 180 đồng chí.

Các đồng chí tham gia BCH CĐ cấp trên cơ sở chủ yếu là Chủ tịch CĐCS, phân bố ở khắp các lĩnh vực: Hành chính sự nghiệp; DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, họ có thể đại diện ở tất cả các lĩnh vực. Nhìn chung các ủy viên BCH, ủy viên Uỷ ban Kiểm tra CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được kiện toàn sau đại hội đều có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức CĐ trong tình hình mới.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ tham gia BCH CĐ cấp trên cơ sở?

- Lực lượng tham gia BCH CĐ cấp trên cơ sở là lực lượng cán bộ CĐ nòng cốt nhất để triển khai những Nghị quyết, chủ trương của LĐLĐ tỉnh, CĐ cấp trên đối với CĐCS và CNVCLĐ. Họ chính là những người hằng ngày tiếp xúc với CNVCLĐ. Do địa bàn rộng, một CĐ cấp trên cơ sở chỉ có 3-6 cán bộ nên vai trò của các Ủy viên BCH (đồng thời là Chủ tịch CĐCS) rất quan trọng.

Họ chính là những người truyền đạt chủ trương, định hướng của CĐ cấp trên đến cấp cơ sở. Đây là lực lượng quan trọng góp phần thành công chủ trương chỉ đạo thực hiện của CĐ ở cơ sở. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh luôn chú trọng đến lực lượng này, nhất là trong công tác đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động CĐ.

Lực lượng tham gia BCH CĐ cấp trên cơ sở đa số là Chủ tịch CĐCS ở DN và các cơ quan đơn vị. Về chuyên môn, họ thường giữ những vị trí chủ chốt ở DN, như phụ trách nhân sự, hành chính và phó thủ trưởng các cơ quan, đơn vị…

Trong công tác chỉ đạo đại hội ở cấp cơ sở, LĐLĐ tỉnh định hướng những người tham gia giữ chức Chủ tịch CĐCS là những cá nhân có uy tín ở DN, cơ quan, đơn vị có tiếng nói, có quan hệ tốt với lãnh đạo DN; nhiệt tình, tâm huyết tham gia hoạt động CĐ. Tuy nhiên, nảy sinh khó khăn là lực lượng tham gia BCH thường xuyên biến động. Như ở DN, có trường hợp vừa bầu xong thì đã “nhảy việc”; vì vậy, một số CĐ cấp trên cơ sở phải tiến hành bầu kiện toàn, bổ sung.

Thưa ông, trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức công tác đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động CĐ đối với đội ngũ này như thế nào, nhất là đối với những người lần đầu tham gia BCH?

- Theo phân cấp, LĐLĐ tỉnh sẽ tập huấn cho đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2018. Theo kế hoạch, trong quý II/2018, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung bồi dưỡng, tập huấn các nội dung: Hoạt động của Uỷ ban Kiểm tra CĐ các cấp; nghiệp vụ công tác tài chính, kế toán CĐ; chuyên đề nữ công.

Vào quý III, tập trung tập huấn triển khai Điều lệ, Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam khóa XII; chuyên đề chính sách, pháp luật; nghiệp vụ công tác văn phòng. Lực lượng giảng viên nòng cốt sẽ là các đồng chí trong Thường trực LĐLĐ tỉnh và trưởng các ban của LĐLĐ tỉnh và giảng viên của Tổng LĐLĐVN.

Tùy theo khu vực, học viên, LĐLĐ tỉnh sẽ bố trí lớp học cho phù hợp. Ví dụ, đối với những lớp có đông ủy viên BCH mới thì nội dung, phương pháp đào tạo sẽ cụ thể, sâu hơn, chi tiết hơn, gần như bắt tay, chỉ việc .

LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ các Ủy viên BCH, Ủy ban Kiểm tra và các Chủ tịch CĐCS. Nếu cần thiết, LĐLĐ tỉnh sẽ hỗ trợ giảng viên.

Phương châm đào tạo là “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Còn tại cấp CĐCS, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các CĐCS rà soát các lực lượng từ tổ trưởng, tổ phó CĐ; nếu số lượng đông thì chia ra làm nhiều lớp, nhiều khu vực để tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp hoạt động cho những người tham gia công tác CĐ ở DN, cơ quan, đơn vị.

Phương châm là đào tạo theo nhu cầu thực tế: Vướng mắc, khó khăn vấn đề nào sẽ triển khai hướng dẫn, đào tạo, tập huấn về vấn đề đó.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn