MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trịnh Thị Thoa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bảo Nguyên

LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đổi mới hoạt động Công đoàn để thích ứng với đòi hỏi thực tiễn

Bảo Nguyên LDO | 10/10/2023 15:22

Trao đổi với PV Báo Lao Động trước thềm Đại hội Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV, bà Trịnh Thị Thoa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Vĩnh Phúc - đã đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trong bối cảnh địa phương này có hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hơn 135.000 lao động.

PV: Thưa bà, xin bà cho biết nhiệm kỳ 2018-2023, hoạt động xã hội từ thiện, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) được LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc triển khai như thế nào?

Bà Trịnh Thị Thoa: Nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, hoạt động công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, CNVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 16.984.889.000 đồng; hỗ trợ 155 công nhân lao động (CNLĐ) với số tiền 166.200.000 đồng bị cắt giảm giờ làm.

Ngoài ra, thông qua các Chương trình “Tết Sum vầy”, các cấp Công đoàn đã chi 198.272.800.000 đồng thăm hỏi, hỗ trợ 152.730 lượt đoàn viên, CNVCLĐ.

Bà Trịnh Thị Thoa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc (thứ 2, từ trái sang) - trao tiền hỗ trợ xây nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: B.N

Các hoạt động xã hội từ thiện thông qua Quỹ Vì CNLĐ nghèo cũng kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất 381 đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 1.524.000.000 đồng; hỗ trợ xây nhà cho 37 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 1.480.000.000 đồng.

PV: Được biết, Vĩnh Phúc có 8 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp đang hoạt động, vậy công tác phát triển đoàn viên, thành lập mới Công đoàn cơ sở được triển khai như thế nào, thưa bà?

Bà Trịnh Thị Thoa: Hiện tại, Vĩnh Phúc đã quy hoạch 19 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.487 ha, trong đó 8 khu công nghiệp cơ bản đã được lấp đầy bởi các dự án đầu tư thứ cấp. Tính đến hết tháng 9.2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 468 dự án đầu tư, tạo việc làm cho 123.000 lao động.

Toàn tỉnh có 32 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 689,955 ha. Đến nay, đã có 15 cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó, 11 cụm công nghiệp thành lập thu hút 516 dự án đầu tư, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động. 4 cụm công nghiệp còn lại chưa thành lập nhưng đã có 35 doanh nghiệp thuê đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thu hút 6.414 lao động.

LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị đối tác. Ảnh: B.N

Với sự gia tăng của khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập mới 227 Công đoàn cơ sở, phát triển mới 55.595 đoàn viên.

Qua thực tiễn hoạt động của Công đoàn cơ sở, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả; nhân rộng nhiều gương cán bộ công đoàn cơ sở điển hình tiên tiến, đoàn viên công đoàn tiêu biểu.

PV: Xin bà chia sẻ thêm về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở trong khu công nghiệp?

Bà Trịnh Thị Thoa: Chúng tôi xác định, mọi hoạt động hướng về Công đoàn cơ sở và đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong khu công nghiệp cần giải pháp đồng bộ với nhiều hoạt động đổi mới, đi vào chiều sâu. Do vậy, các hoạt động nắm bắt tình hình CNLĐ; Tuyên truyền chính sách pháp luật cho CNLĐ; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; các hoạt động chăm lo, hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động có hoàn cảnh khó khăn… luôn được chú trọng.

Chương trình khám sức khỏe miễn phí cho đoàn viên công đoàn, CNLĐ. Ảnh: B.N

Bên cạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, Công đoàn cơ sở cũng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường lành mạnh, tích cực trong đoàn viên, CNLĐ.

Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó số lượng đoàn viên, CNLĐ không ngừng tăng lên. Do vậy, LĐLĐ đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao đời sống công nhân, NLĐ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp”. Từ đó góp phần thu hút nhà đầu tư vào địa bàn cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của từng năm.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn