MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các thí sinh tham gia phần thi lý thuyết tại hội thi thợ giỏi. Ảnh: QUẾ CHI

LĐLĐ TP. Hà Nội: Tôn vinh những công nhân lao động có tay nghề kỹ thuật cao

QUẾ CHI LDO | 29/09/2017 06:08

Sáng 28.9, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (TP.Hà Nội), LĐLĐ TP.Hà Nội tổ chức Hội thi thợ giỏi trong CNLĐ Thủ đô lần thứ V. Dự buổi lễ có các đồng chí Trần Duy Phương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN; Lê Văn Phòng - Vụ phó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH); Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức hội thi.

Tham gia để tiến bộ hơn!

Anh Ngô Văn Chính - kỹ thuật viên điều dưỡng, làm việc tại Cty KYOEI (chuyên sản xuất khung càng xe máy tại KCN Nội Bài, TP.Hà Nội) cùng 8 đồng đội của mình đến địa điểm diễn ra hội thi từ sáng sớm. Sau khi dự lễ khai mạc, anh nhanh chóng đi về nơi sẽ diễn ra phần thi lý thuyết. Tranh thủ thời gian chờ đợi, anh chia sẻ với phóng viên lý do mình tham gia hội thi này là muốn biết “bản thân mình đang ở đâu”.

“Từ trước đến nay, tôi ở trong môi trường hạn hẹp là Cty, ít có cơ hội cọ xát, giao lưu với những người thợ giỏi từ nhiều nơi khác. Chính vì vậy, hội thi này chính là cơ hội để gặp, cọ xát với nhiều CNLĐ lành nghề từ nhiều nơi khác, từ đó, mình sẽ thấy được kỹ năng nghề của mình đang ở mức độ nào để ngày càng rèn luyện, tiến bộ nhiều hơn nữa” - anh Chính cho biết.

Anh Chính đã làm việc tại Cty KYOEI được hơn 6 năm nay, sau khi tốt nghiệp cao đẳng. Ngay thời gian đầu, anh đã nhanh chóng bắt tay vào công việc với những kiến thức đã được đào tạo trong nhà trường để ngày càng trở thành một người thợ có kinh nghiệm. Anh luôn thể hiện tình yêu với nghề nghiệp của mình, luôn năng nổ, nhiệt tình với nhiệm vụ được giao. Có lẽ, chính vì thế mà đợt này, anh đã được lãnh đạo Cty lựa chọn để tham gia hội thi này.

“Tôi thi nghề điện công nghiệp. Một tháng vừa qua, những lúc rảnh rỗi, tôi lại lên mạng để tìm tài liệu phục vụ cho việc đi thi. Thi lý thuyết theo thể thức trắc nghiệm nên khá khó. Còn ở phần thi thực hành, tôi khá tự tin” - anh Chính nói thêm. Anh hy vọng đoạt giải để mang lại một “điều gì đó” cho Cty; đồng thời mang lại cho bản thân mình sự tự ti để cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc; ngày càng trở thành người thợ lành nghề hơn nữa.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tâm trạng của anh Chính có lẽ cũng là tâm trạng chung của 174 thí sinh tham dự hội thi. Các thí sinh này đến từ 58 DN đăng ký tham gia, trong đó thí sinh thuộc các doanh nghiệp FDI chiếm 26%, cao hơn 5% so với hội thi trước. Các thí sinh sẽ tham gia 2 phần thi: Gồm lý thuyết và thực hành với 9 nghề thi: Tiện vạn năng; phay CNC; tiện CNC; phay vạn năng; hàn điện; hàn CO2; may; điện công nghiệp; vẽ và thiết kế trên máy tính.

Theo Ban Tổ chức, hội thi nhằm tôn vinh những CNLĐ giỏi, có tay nghề kỹ thuật cao trong lao động sản xuất; đồng thời góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa thủ đô và đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thi, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức hội thi - nhấn mạnh, hội thi lần này cũng là dịp để CNLĐ trong các đơn vị, DN trên địa bàn có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, lập các kỷ lục mới về năng suất lao động, tiến độ, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, DN.

Hội thi là một hoạt động hướng tới kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2017); chào mừng đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Hội thi dự kiến diễn ra trong 2 ngày 28 và 29.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn