MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lễ Quốc khánh 2.9: Không tiền thưởng, công nhân đi làm để hưởng 300% lương

Minh Hương LDO | 01/09/2022 11:46
Không được nhận tiền thưởng lễ Quốc khánh 2.9 của công ty, năm nay, chị Hồng Nhung - Công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đăng ký đi làm 3 ngày lễ để nhận tối đa 300% tiền lương.

Chị Nhung có thâm niên 10 năm làm ở công ty, theo chị, những năm trước, vào ngày Quốc khánh, công ty đều thưởng 500.000 - 1.000.000 đồng cho công nhân. Nhưng 2 năm gần đây, công ty đã cắt giảm chế độ thưởng vào ngày 2.9 và chỉ duy trì 2 đợt thưởng trong năm.

Chị Nhung - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chọn đi làm trong ngày lễ Quốc khánh để được tăng lương. Ảnh: M.Hương.

Hiện lương cơ bản của chị Nhung ở mức 8 triệu đồng, nếu tăng ca thì thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng theo chị Nhung, rất ít khi công nhân được làm thêm giờ nên tiền lương của chị thường chưa đến 10 triệu đồng mỗi tháng.

"Ở công ty, lương tăng theo đánh giá xếp loại hằng năm. Người làm việc có thâm niên, mỗi năm tăng thêm 50.000 đồng" - chị Nhung nói.

Ngày Quốc khánh rất gần với năm học mới của các con, theo nữ công nhân này, dù tiền thưởng ít hay nhiều cũng là khoản có thể lo liệu, sắm sửa cho con trước thềm khai giảng. "Năm nay tiếp tục không có thưởng, tôi sẽ ở lại đi làm để nhận tiền lương cao hơn ngày thường" - chị Nhung nói.

Lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, theo quy định, người lao động được nghỉ 4 ngày từ ngày 1.9 - 4.9, song chị Nhung đăng ký đi làm vào 3 ngày lễ để được 200-300% lương.

Còn anh Phạm Văn Thanh (32 tuổi, Công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long) được công ty thưởng 200.000 đồng vào dịp lễ 2.9. "Năm trước, tôi được thưởng 100.000 đồng vào ngày Quốc khánh, số tiền thưởng không nhiều nhưng tôi vẫn rất vui vì ngoài tiền lương, công nhân không có thu nhập nào thêm khác" - anh Thanh nói.

Lễ Quốc khánh năm nay, anh Thanh đăng ký đi làm 2 ngày để hưởng 300% tiền lương so với ngày thường; 2 ngày còn lại, anh sẽ đưa vợ con về quê ở Vĩnh Phúc bằng chiếc xe máy quen thuộc.

Phải ngưng việc cả tuần nay, chị Nguyễn Thị Thu Ngọc - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) rầu rĩ vì tiền lương bị ảnh hưởng ít nhiều. Tháng trước, chị cũng có 1 tuần nghỉ ở nhà vì công ty ít việc.

Việc làm bị ảnh hưởng, công ty đang trong giai đoạn khó khăn, chị Ngọc nói: "Hiện tôi chỉ cần được đi làm đều đặn, bao giờ tình hình sản xuất kinh doanh ổn định tôi mới mong có thưởng cho công nhân".

Bà Vũ Thuỳ Trang (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe) cho biết - việc chi trả tiền thưởng cho người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động 2019.

Theo đó, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, thưởng vào dịp lễ hoặc Tết cho người lao động không phải phải là quy định bắt buộc. Mà căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, các chỉ số hiệu quả, năng suất làm việc và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong một năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ của doanh nghiệp về việc thưởng tết cho người lao động.

Tùy vào tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có thể xây dựng quy chế thưởng lễ, Tết cho người lao động một lần hoặc theo từng năm.

Do đó, mức thưởng Tết hằng năm (đối với doanh nghiệp có thực hiện thưởng Tết) cho người lao động sẽ do doanh nghiệp tự quyết định dựa vào tình hình kinh doanh và các chỉ số mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn