MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc liên thông cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động giữa các tỉnh sẽ tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động. Ảnh: Phương Ngân

Liên thông cơ sở dữ liệu cung - cầu, tránh nơi thừa, nơi thiếu lao động

Phương Ngân LDO | 06/12/2023 12:07

Người lao động (NLĐ) thất nghiệp có xu hướng rời TPHCM về quê, sau đó quay lại TPHCM làm việc. Trong khi tại nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển được lao động.

Nghịch lý trên thị trường lao động

Những tháng cuối năm, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Thế nhưng, việc tuyển dụng lao động không hề dễ dàng với nhiều DN.

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Đồng Nai, chỉ ra thực trạng của thị trường lao động hiện nay, dù nhiều người thất nghiệp, nhưng nhiều DN vẫn không tuyển được lao động.

Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn NLĐ mất việc trong thời gian qua là lao động phổ thông, tay nghề thấp, thậm chí không có tay nghề, nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Trong khi nhiều ngành, nhà tuyển dụng tìm kiếm NLĐ có trình độ, chuyên môn.

Theo ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Long An, khi một DN đông lao động tại TPHCM cắt giảm lao động, có 40% công nhân tại DN này là dân địa phương. Tỉnh đã chủ động đến các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng công nhân để giới thiệu việc cho NLĐ, nhưng đa phần công nhân không nhận việc vì muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Phước - Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Hậu Giang - chia sẻ, hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có các khu công nghiệp, có nhu cầu tuyển dụng lao động. Thế nhưng, NLĐ xưa nay có xu hướng dịch chuyển đến TPHCM làm việc, do đó, nhiều DN cần tuyển nhưng địa phương tìm không ra người. Mặt khác, NLĐ cũng chưa nắm được thông tin có DN về địa phương đầu tư và có nhu cầu tuyển dụng.

Sớm liên thông dữ liệu cung - cầu lao động

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm DVVL TPHCM, công tác kết nối cung - cầu lao động đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn do sự thay đổi về công nghệ. Các nền tảng trực tuyến, ứng dụng di động đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng trong tìm kiếm việc làm. Điều này làm thay đổi cách NLĐ và nhà tuyển dụng tương tác với nhau. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đang có khuynh hướng di dời khỏi TPHCM về các tỉnh, điều này sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động lớn. Do đó, việc trao đổi giữa các địa phương càng cần được đẩy mạnh.

Bà Thục cho rằng, điều quan trọng để kết nối cung - cầu lao động hiện nay là cần phải có cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động dùng chung giữa các tỉnh, để đảm bảo việc kết nối cung - cầu được thuận tiện hơn. Đặc biệt là NLĐ mất việc trở về quê có thể tìm kiếm được việc làm, sớm quay lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống.

Ông Dương Tấn Minh - Trưởng Phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm, Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương - cho biết, hiện nhu cầu tuyển dụng của các DN tại tỉnh Bình Dương đã khởi sắc, tuy nhiên, sau dịch COVID-19, nhiều NLĐ trở về quê nên số lượng lao động không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN.

“Nếu có một ứng dụng sàn giao dịch việc làm trực tuyến dùng chung thì chúng ta sẽ kết nối được toàn quốc. Khi đó các tỉnh đang cần lao động như TPHCM, Bình Dương sẽ dễ dàng thu hút lao động ở các tỉnh có nguồn lao động dôi dư” - ông Minh nói.

Theo ông Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Tư vấn - Giới thiệu việc làm, Trung tâm DVVL tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới trung tâm này sẽ khai thác các dữ liệu về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh trên nền tảng số. Trên cơ sở đó, phối hợp với các Trung tâm DVVL triển khai mô hình liên thông dữ liệu giữa các tỉnh, để NLĐ có thể di chuyển, tìm việc từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, việc khó nhất khi liên thông cơ sở dữ liệu là công tác thu thập thông tin hiện nay chưa được hoàn chỉnh. Vì thế, thời gian tới cần phải đẩy mạnh công tác thu thập thông tin cung - cầu lao động trên diện rộng.

“Hiện các lĩnh vực như may mặc, chế biến thủy sản ở Tiền Giang là lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều. Vì thế DN mong muốn những nơi có nhiều lao động có thể cung ứng nguồn lao động đến Tiền Giang. Mong rằng cơ sở dữ liệu liên thông sớm được hình thành, để từ đó NLĐ có thể dịch chuyển đến Tiền Giang làm việc, vừa bảo đảm việc làm cho NLĐ, vừa giúp DN tại Tiền Giang có nguồn nhân lực” - ông Hiếu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn