MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đi xin giấy xác nhận F0. Ảnh Phương Hạnh.

Liên tiếp "nổ" F0, doanh nghiệp cần làm gì?

Anh Thư LDO | 04/03/2022 15:55
Nhiều doanh nghiệp liên tục có người lao động mắc COVID-19 (F0), khiến tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.

Bà Vũ Thị Minh Phượng – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho hay, doanh nghiệp 1.000 lao động thì có đến 100 - 200 lao động là F0. Người lao động là F0 nên những lao động tiếp xúc trực tiếp (F1), có nguy cơ cao cũng phải nghỉ làm, thực hiện cách ly.

Đến trưa 3.3, ngành Dệt – May Hà Nội có 5.748 là F0, 700 F1 trên tổng số 18.000 công nhân. Có những công ty với 1.200 công nhân thì khoảng 400 người F0. Đơn vị nhiều nhất có 5.000 lao động thì hơn 1.000 người F0.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 liên tục lập những đỉnh mới, trong đó có nhiều người lao động.

Trước thực trạng trên, theo bà Hương, người lao động mắc COVID-19 là trường hợp bất khả kháng, sẽ gây thiếu hụt lao động cục bộ.

Vì vậy, để không làm gián đoạn sản xuất, nhiều công ty sản xuất chọn giải pháp vận động người lao động tăng ca, làm thêm giờ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có số công nhân mắc COVID-19 cao phải thay đổi phương án sản xuất để đảm bảo đơn hàng của khách.

Đặc biệt, trong nhà máy cần tuyên truyền cho người lao động thực hiện nghiêm túc 5K, hạn chế tiếp xúc, giao lưu trong quá trình làm việc. Thực hiện đo thân nhiệt, xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, nhân lực quay lại sản xuất khoảng 90%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thiếu 10-20% lao động do tình hình người lao động mắc COVID-19 tăng lên. Đây là một thách thức lớn với doanh nghiệp".

Trước thực trạng trên, bà Xuân cho rằng, hiện nay, khoảng 50% doanh nghiệp có công nhân tiêm mũi 3, vì vậy, giải pháp nhiều doanh nghiệp mong muốn là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân, người lao động để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. 

“Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ người lao động cần linh hoạt hơn; còn lại, trong nhà máy các doanh nghiệp nghiêm túc đảm bảo quy định phòng chống dịch, an toàn trong quá trình sản xuất” – bà Xuân nói thêm.

Để góp phần bù đắp nguồn lực lao động thiếu hụt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thành đã bắt tay triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội các phiên giao dịch việc làm đây là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có thể tuyển chọn được các ứng viên phù hợp đảm bảo nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh dần từng bước phục hồi các hoạt động của doanh nghiệp.

Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối nhiều địa phương án quyết nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động cũng như tuyển dụng lao động từ phía doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn