MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Cty Nam Phương mắc võng canh chừng tài sản công ty khi mới biết tin ông Nam Sung Ho “biến mất”. Ảnh: L.T

Linh động giải quyết quyền lợi BHXH cho công nhân Công ty Nam Phương

LÊ TUYẾT LDO | 04/07/2019 15:20
Để đảm bảo quyền lợi về BHXH cho người lao động (NLĐ) từng làm việc ở Cty TNHH Nam Phương (TPHCM) khi doanh nghiệp (DN) này đang nợ hơn 27 tỉ đồng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH TPHCM đã có nhiều phương án đảm bảo quyền lợi về BHXH cho NLĐ.

Nhiều phương án để công nhân lựa chọn

Cty TNHH Nam Phương (chuyên may mặc, 100% vốn Hàn Quốc, KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi, TPHCM), người đại diện pháp luật là ông Nam Sung Ho (quốc tịch Hàn Quốc), đã để nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của gần 600 công nhân với hơn 27 tỉ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, ông Nam Sung Ho không xuất hiện tại công ty. Ông cũng ra thông báo với NLĐ chuyển nhà xưởng. Nhiều công nhân (CN) từng làm việc tại Cty Nam Phương đã kiện ra tòa để đòi quyền lợi về BHXH và được tuyên thắng kiện.

Tuy nhiên, vì ông Nam Sung Ho không xuất hiện suốt thời gian qua, khoản nợ BHXH không được khắc phục nên quyền lợi của NLĐ Cty Nam Phương vẫn bị “treo”. Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM - cho biết, cơ quan BHXH đã có nhiều biện pháp để yêu cầu chủ DN khắc phục nợ, đặc biệt là biện pháp chuyển hồ sơ của Cty Nam Phương sang cơ quan công an để đề nghị điều tra, xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

“Trong lúc chờ cơ quan chức năng xử lý vụ việc, BHXH TP có một số phương án linh động để NLĐ vẫn đảm bảo được quyền lợi BHXH”, ông Mến nói. Theo đó, nếu NLĐ muốn chốt sổ BHXH đến thời điểm ông Nam Sung Ho không xuất hiện hoặc nghỉ việc, NLĐ có thể tạm ứng đóng BHXH để đảm bảo hưởng hưu trí, tử tuất là 22% mức lương cơ bản, không đóng BH thất nghiệp, BHYT. Khi cơ quan quản lý nhà nước hoàn tất thủ tục phá sản đối với DN, cơ quan BHXH thu được số tiền DN đã nợ thì NLĐ sẽ được hoàn lại số tiền đã đóng tạm ứng.

Hoặc khi Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được ban hành, cơ quan BHXH sẽ cùng với các cơ quan liên quan để hoàn trả số tiền tạm ứng cho NLĐ. Nếu NLĐ không đóng tạm ứng, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ đến thời điểm mà cơ quan BHXH đã thu được tiền của chủ DN.

“NLĐ được đóng tạm ứng sẽ giúp cho quá trình đóng BHXH của NLĐ được liên tục, đặc biệt là NLĐ tham gia BHXH lâu năm, sắp đủ thời gian hưởng lương hưu. Cách làm này sẽ đảm bảo để NLĐ được hưởng các chế độ về BHXH”, ông Mến nói.

Đặt quyền lợi của người lao động lên đầu

Thời gian qua, tại các DN nợ BHXH nhưng chủ “biến mất” để bảm bảo quyền lợi cho NLĐ, cơ quan BHXH cũng như tổ chức công đoàn có một số giải pháp hỗ trợ cho NLĐ. Đơn cử như LĐLĐ quận Gò Vấp, quận 6 (TPHCM) trích kinh phí chăm lo hoặc vận động mạnh thường quân đóng BHXH cho các trường hợp NLĐ ốm đau, thai sản để NLĐ được đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, theo cơ quan BHXH, cách giải quyết này vẫn còn nhỏ lẻ và chỉ giải quyết được số ít.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH và BHXH Việt Nam đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng nợ BHXH tại các DN giải thể, phá sản. Trong đó, có quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Cụ thể, đối với đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại khoản 3 điều 122 của Luật BHXH.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc chờ DN hoàn tất thủ tục phá sản hoặc chờ nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thì Quỹ BHXH nên trả thay phần DN đang nợ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, sau đó sẽ xử lý tài sản của DN, tiền ký quỹ ban đầu khi DN đầu tư,… để trả lại cho Quỹ BHXH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn