MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sớm giải bài toán người lao động về quê, thành phố thiếu nhân lực. Ảnh: Hải Nguyễn

Linh hoạt giữ chân người lao động để phục hồi sản xuất- kinh doanh

Phạm Đông LDO | 09/10/2021 08:21
Khi các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại sau cao điểm chống dịch COVID-19 thì vấn đề lao động sẽ được đặt lên hàng đầu. Thiếu công nhân, nhiều doanh nghiệp cũng như địa phương cần chủ động, linh hoạt tìm giải pháp khi mở cửa sản xuất trở lại.

Giữ người lao động ở lại sản xuất

Có một nghịch lý đang tồn tại, đó là chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10.2021, đã có khoảng 60.000 công nhân từ TPHCM, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL. Trong khi đó, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10, có 5.247 doanh nghiệp tại TPHCM hoạt động trở lại; hơn 25.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa. 

Ông Lê Quang Trung - Tổng giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến hàng triệu lao động bị thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập. Các địa phương và doanh nghiệp đều có những giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là các gói hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cũng đã tiếp xúc cho người lao động trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh người lao động cũng mong muốn có cơ hội về quê, về các địa phương. Chính vì vậy, mỗi địa phương cần có sự chủ động, cần có những giải pháp để hỗ trợ cho người lao động.

Theo ông Trung, đầu tiên, các cấp, các ngành của địa phương cần nắm được tâm tự nguyện vọng của người lao động, có những biện pháp hỗ trợ kịp thời những khó khăn trước mắt. Nếu người lao động có nguyện vọng về quê thì cần nắm thật chắc số lượng để có kế hoạch tổ chức đưa người lao động về quê. Việc này cần sự phối hợp của các địa phương ở chiều đi và chiều đến để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng phương án cung ứng lao động, đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong phương án này cần phân loại nhu cầu lao động gì và lao động nào cần phải đào tạo,  lao động nào cần phải thu hút. Nhưng đặc biệt cần phải chú ý đến những lao động đã làm việc cho mình thì phải có biện pháp để thu hút họ trở lại làm việc.

Việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn nguyên liệu chỉ cần từ 3 đến 5 tháng, nhưng việc khôi phục chuỗi đứt gãy nguồn lao động phải cần thời gian từ 9 tháng trở lên.

Ông Lê Quang Trung trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: P.Đ

Theo ông Trung, cần có các hoạt động, chính sách điều kiện để thu hút lao động. Còn nếu như nguồn lao động đầu vào mà không có thì đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới việc khôi phục sản xuất. Việc kéo công nhân quay lại sản xuất cũng cần đảm bảo an toàn, sớm tiêm đủ vaccine.

Đối với những người ở lại thành phố có nhiều cái lợi đem lại cho họ. Khi thành phố bắt đầu mở lại, người lao động ít nhất sẽ có cơ hội việc làm tại chính các nơi làm việc cũ. Cùng với đó là cơ hội việc làm nhiều hơn. Qua thời gian này, các doanh nghiệp cần có nhiều phương án sản xuất kinh doanh mới, kèm theo đó là phương án sử dụng lao động.

Liên kết giữa các địa phương để phân bổ lao động 

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi để người lao động về quê sẽ xảy ra tình trạng bất hợp lý về mặt cung cầu lao động giữa các địa phương. Tại một số địa phương lớn - thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Trong khi đó, với những công nhân đã về quê sẽ xảy ra tình trạng thiếu việc làm hoặc chưa bố trí được công việc ngay.

Xu hướng hiện nay chính là công nhân di chuyển từ tỉnh, thành phố lớn có dịch bệnh về quê - những nơi không có dịch. Đây là một sức ép rất lớn đối với chính nơi tiếp nhận lao động trong việc giải quyết đời sống, việc làm cho công nhân. Do đó, giữ các tỉnh cần tính toán đến việc trợ lực, liên kết với nhau để phục hồi thị trường lao động. Địa phương cần thống kê được chính xác số lượng người về và khả năng đáp dứng việc làm của địa phương đối với nguồn lao động này.

Mặt khác, chính những địa phương đang thiếu hụt lao động cần có chính sách kêu gọi người lao động trở lại. Trong đó có thể liên hệ với những địa phương đang dư thừa, chưa bố trí được việc làm cho người lao động. Có chính sách đưa những lao động đã về quê quay trở lại làm việc. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cánh hỗ trợ phòng chống dịch tại khu công nhân ở, kêu gọi hỗ trợ giảm giá thuê nhà cho công nhân.

Cũng theo ông Long, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; tiếp tục thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về thị trường lao động, làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho phù hợp với tình hình mới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn