MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chợ tự phát gần KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ). Ảnh: Mỹ Ly

Lo chất lượng thực phẩm, nhiều công nhân quay lưng với chợ cóc, chợ tạm

LY Nguyễn LDO | 30/05/2024 06:30

Dù giá rẻ, tiện đường nhưng nhiều công nhân có con nhỏ lại không mặn mà với chợ tự phát gần các khu công nghiệp (KCN). Thay vào đó, họ ưu tiên mua hàng hóa tại các chợ truyền thống, siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi để an tâm hơn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho gia đình.

Không mặn mà chợ cóc, chợ tạm

Lo lắng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, nhất là 2 con nhỏ nên chị Đinh Thị Huyền - công nhân KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) - không còn ưa chuộng các khu chợ tự phát gần công ty.

“Sau thông tin liên tiếp về các vụ ngộ độc thực phẩm, tôi bắt đầu e ngại khi mua thực phẩm tại các khu chợ này dù người bán giới thiệu đồ tươi, ngon...” - chị Huyền chia sẻ.

Chị Huyền nói thêm, ngoài nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, việc mua sắm tại các chợ tự phát, nhất là vào giờ cao điểm cũng khiến chị lo lắng về vấn đề an toàn giao thông: “Người bán bày hàng dọc 2 bên đường đi, người mua thì vô tư đậu xe mua sắm, mặc các phương tiện giao thông qua lại tấp nập, nhìn thôi đã thấy không an tâm”.

Chị Dương Thị Lan Tiên - công nhân KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) - cho biết, nếu trước đây, vợ chồng chắt bóp chi tiêu, mua thực phẩm tại chợ cóc gần công ty để dành dụm, tích góp tiền gửi về quê thì từ khi có con đến nay, thói quen này đã thay đổi.

Săn sale trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi

Dù giá cả có phần nhỉnh hơn chợ cóc, chợ tạm, song chị Huyền vẫn chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi. Điều này giúp nữ công nhân có thể an tâm cho sức khỏe gia đình, nhất là các con.

“Dù phải di chuyển xa hơn một đoạn nhưng mỗi khi tan ca, vợ chồng tôi vẫn ghé cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm về nấu cơm.

Thực phẩm ở đây có nguồn gốc, thời hạn sử dụng rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh, nấu ăn cho các con tôi cũng an tâm hơn.

Ngoài ra, giá các mặt hàng cũng không chênh lệch quá nhiều so với chợ tự phát. Thu nhập của vợ chồng tôi mỗi tháng vẫn có thể đáp ứng được” - chị Huyền nói.

Cũng ưu tiên mua sắm hàng hóa tại siêu thị và các cửa hàng tiện lợi, chị Tiên chia sẻ, bản thân thường theo dõi các chương trình khuyến mãi để tiết kiệm chi phí cho gia đình.

Với nữ công nhân, săn sale trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi không chỉ đỡ phải mặc cả mà hơn hết, chị có thể an tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với cán bộ công đoàn và công nhân lao động năm 2024 ngày 14.5, việc đề xuất bố trí các điểm chợ hợp lý gần KCN hoặc kết nối các siêu thị mini phục vụ cho công nhân lao động nhận được phản hồi tích cực.

Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng các chuỗi mua bán hiện đại như Bách hóa xanh, siêu thị vào các KCN. Đặc biệt, thành phố luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi phát triển, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ đến địa bàn các quận, huyện, nhất là các khu vực đông dân cư như gần các KCN để phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn