MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Hạnh Hà

Lỗ hổng trong bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thiệt thòi

LƯƠNG HẠNH LDO | 13/09/2023 11:26

Ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của năm 2022 chuyển sang năm 2023 là hơn 59.000 tỉ đồng. Song, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm nhận tiền trợ cấp, số tham gia học nghề còn chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn... Điều này khiến quyền lợi của người lao động ít nhiều bị ảnh hưởng.

Chưa bao phủ hết các nhóm lao động

Rời quê hương ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chị Vũ Thị Phương đến Hà Nội tìm kiếm việc làm ở Khu công nghiệp Thăng Long. Cuối năm 2022, công ty bị giảm đơn hàng, công nhân cũng thường xuyên bị cho nghỉ việc hưởng 70% mức lương. Chán nản với thu nhập chỉ còn một nửa so với trước kia, chị Phương quyết định nghỉ việc.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Từ đầu năm 2023, chị Phương liên tục “nhảy” việc trong khu công nghiệp này. Gần nhất, chị xin vào công ty sản xuất linh kiện điện tử với mức lương cơ bản là 5,5 triệu đồng/tháng. Sức khỏe không đảm bảo để đứng dây chuyền trong vòng 8 tiếng/ngày, chị Phương xin nghỉ việc và tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Lúc này, chị mới phát hiện mình không đủ điều kiện nhận loại trợ cấp này như những lần nghỉ việc trước đây.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 7 năm thực hiện Luật Việc làm, về cơ bản, luật đã quy định cụ thể đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với việc mở rộng đối tượng so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Tuy nhiên, Bộ cho biết, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trước hết, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên. Do đó, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Chính sách hỗ trợ học nghề cần cụ thể hơn

Trao đổi với Lao Động sáng ngày 11.9, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - đề xuất, để việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn, cần tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện Luật Việc làm. Từ đó, hình thành văn hóa tuân thủ, thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động trước các biến cố của thị trường lao động. Các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ hơn, đặc biệt cần tập trung vào chức năng cơ bản của Trung tâm giới thiệu việc làm là giới thiệu, kết nối việc làm.

Các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần liên kết với hệ thống đào tạo nghề, các trường nghề hỗ trợ người lao động học nghề. Ảnh minh hoa: Hải Nguyễn 

Về chính sách hỗ trợ học nghề cần cụ thể hơn, nâng mức hỗ trợ này lên.

“Các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần liên kết với hệ thống đào tạo nghề, các trường nghề hỗ trợ người lao động học nghề... Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm cần thực hiện tốt hơn vai trò đào tạo, tư vấn, hỗ trợ việc làm” - bà Hương nhấn mạnh.

Để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, trong lần sửa đổi Luật Việc làm tới, người lao động mong muốn giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng đối tượng tham gia; tăng quyền lợi như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề. Người lao động cũng kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cũng nhận định, bảo hiểm thất nghiệp phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho người lao động.

“Hầu hết người lao động mất việc thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp. Những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… càng gặp nhiều khó khăn. Tôi mong muốn thời gian tới, các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao cho người lao động” - ông Quảng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn