MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cọng rau, con cá trầy trật vào chợ vì Bạc Liêu quy định hạn chế ra đường khi không cần thiết. Ảnh: Nhật Hồ

Lo kiếm miếng ăn mỗi ngày...

NHẬT HỒ LDO | 14/12/2021 14:59
Tỉnh Bạc Liêu không cho tụ tập quá 10 người; tất cả các dịch vụ nhà hàng, quán ăn, uống... không được bán tại chỗ từ hơn tháng nay. Hiện tại, tỉnh cũng chưa dỡ bỏ quy định tạm thời áp dụng cho toàn tỉnh (bất kể vùng xanh hay đỏ). Khó khăn chồng chất với lao động tự do, người nghèo thành thị...

Sống chật vật

Hơn 4 tháng nay, cuộc sống gia đình chị Trần Thị Hoa (49 tuổi, thuê trọ ở phường 7, TP. Bạc Liêu) bị đảo lộn. Trước khi dịch bùng phát, chồng chị làm phụ hồ, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, chị Hoa bắt ốc mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Vợ chồng quần quật lao động, sống tằn tiện mỗi tháng vừa đủ trả tiền trọ và nuôi 4 đứa con nhỏ. Thế nhưng, từ giữa tháng 7 đến nay, trải qua nhiều lần giãn cách, công việc của anh ngày cũng ít dần, có khi hơn tháng không ai thuê, 6 miệng ăn trông chờ vào tiền bắt ốc của chị Hoa.

Chị Hoa chia sẻ: “Nhà nào không có trẻ con thì đỡ vất vả, ăn uống qua loa cho hết ngày; những gia đình có con nhỏ như tôi thì vất vả trăm đường. Ngoài tiền thuê nhà thì tiền điện, nước, sữa cho con cũng là một gánh nặng. Mấy tháng nay thu nhập không có, xin việc khác cũng không được, tiền tích lũy không còn, chúng tôi sống chật vật nhờ vào bó rau, túi gạo của bà con xung quanh và nhà hảo tâm hỗ trợ”.

Quê ở tỉnh Quảng Ngãi, vào Bạc Liêu lập nghiệp hơn 4 năm, chưa bao giờ vợ chồng chị Mỹ Hạnh (thuê trọ ở phường 1, TP. Bạc Liêu) rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay. Cả hai vợ chồng đều sống bằng nghề bán hàng rong, mấy tháng nay dịch diễn biến phức tạp. Bạc Liêu không cho phép hàng quán mở cửa bán tại chỗ bất kể vùng xanh hay vùng đỏ. Chính vì vậy hai vợ chồng chị Hạnh cố gắng mỗi ngày đi xa hơn để mưu sinh nhưng cũng khó khăn do tỉnh hạn chế ra đường khi không cần thiết. Thu nhập giảm sâu nên hai vợ chồng cố gắng tiêu xài thật dè sẻn để ngoài trả tiền trọ còn phải gửi về quê nuôi hai đứa con nhỏ.

Căn phòng trọ ọp ẹp, ẩm thấp chưa đầy 20m2 ở phường 1 (TP. Bạc Liêu) là chỗ trú ngụ nhiều năm qua của mẹ con bà Nguyễn Thị Quyên (72 tuổi). Tuổi đã cao lại mang nhiều bệnh không thể lao động, mọi sinh hoạt của bà Quyên đều trông chờ vào tiền bán vé số dạo của người con trai. Mấy tháng nay, vé số tạm ngưng phát hành, sau đó hạn chế người bán vé số dạo nên con bà không còn đi bán được, cuộc sống của hai mẹ con vô cùng thiếu thốn, sống lay lắt qua ngày bằng những phần quà của các nhà hảo tâm. “Cũng may chủ nhà trọ là người tốt, thương cho hoàn cảnh của tôi nên nhiều tháng qua không đòi tiền nhà, nếu không tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền mà trả, lỡ như bị đuổi đi thì cũng không biết đi về đâu” - bà Quyên nghẹn ngào chia sẻ.

Chưa nghĩ đến Tết...

Sống đơn thân, thu nhập chính đến từ nghề giúp việc nhà theo giờ, sau 3 tháng thất nghiệp, bà Kim Liên (60 tuổi, ở trọ tại phường 7. TP. Bạc Liêu) cũng dần cạn tiền tích lũy. Nhờ chủ nhà trọ thương cảm, giảm tiền trọ mỗi tháng và cho đóng trễ nên bà tiết kiệm được một phần chi phí. Hiện, bà đã có công việc trở lại lại, tuy không nhiều như trước nhưng cũng có đồng vô đồng ra để lo cho cuộc sống thường nhật cũng như có khoản tiết kiệm về sau. Bà Liên trần tình: “Tôi không dám nghĩ đến Tết sẽ thế nào. Bởi lúc đó, người ta đã về quê hết, chẳng ai thuê mình làm”.

Lao động tự do, người nghèo thành thị tại tỉnh Bạc Liêu sống bám bào vỉa hè, con phố. Sáng sớm mở mắt là đi ra đường, người bán vé số, lượm đồng nát, mua gánh bán bưng... để sống qua ngày. Đã lâu lắm rồi, từ khi Bạc Liêu hạn chế ra đường, không cho dân ra đường khi không cần thiết, những tiếng rao của người bán hàng rong, thu mua đồng nát im bặt.

Bà Nguyễn Thị Huyền, chủ một nhà hàng tại phường 1, thành phố Bạc Liêu chua chát: “Hơn 6 tháng nay chúng tôi phải đóng cửa. Khó khăn của doanh nghiệp thì đã rõ, nhưng hơn 20 người giúp việc cho nhà hàng tôi đành phải cho tạm nghỉ. Họ thật sự là người chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19”.

Cho tới ngày 13.12, tỉnh Bạc Liêu vẫn siết chặt công tác phòng chống dịch COVID-19, hạn chế ra đường, các hàng quán vẫn không được bán tại chỗ trên phạm vi toàn tỉnh. Trong khi đó số ca mắc tại tỉnh này vẫn tăng. Người nghèo thành thị, lao động tự do phần đông rút vào nhà trọ, co ro ngay mùa Đông mà trong lòng không dám nghĩ đến Tết...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn