MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chồng chị Bùi Thị Kim Dung đang ôn bài cho con ở quê. Ảnh: NVCC

Lo lắng vì phải nghỉ làm, công nhân thêm “đau đầu” chuyện học của con

Bảo Hân LDO | 22/08/2021 15:26
Do đang nằm trong khu phong toả, nhiều công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội phải tạm nghỉ làm. Lo lắng về thu nhập đã đành, điều khiến họ “đau đầu” không kém là chuyện học của con trong năm học mới sắp đến. 

Băn khoăn khi cho con học tạm ở quê 

Hơn 10 ngày nay, chị Bùi Thị Kim Dung (30 tuổi, công nhân khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) phải nghỉ ở nhà. Chồng chị, làm việc tại một phòng khám tư nhân, cũng không đi làm gần 1 tháng nay do ảnh hưởng của dịch. 

Bình thường, thu nhập của chị Dung khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, còn của chồng chị cao hơn nên cuộc sống cũng khá ổn so với mặt bằng chung của công nhân. 

“Giờ thì chồng tôi không có thu nhập, còn tôi thì có lẽ chỉ được 70% lương cơ bản, tính ra chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này khiến tôi rất lo lắng, mong cả hai được làm việc trở lại để đảm bảo cuộc sống cho gia đình” - chị Dung chia sẻ. 

Hai vợ chồng chị mới có một con, năm nay lên lớp 2. Cháu được chị gửi về quê nghỉ hè, thế rồi, do Hà Nội giãn cách, sau đó nơi chị thuê trọ đang bị phong toả nên chị chưa thể đón con lên. Ngay sau khi tạm nghỉ làm, chồng chị đã về quê ở Phú Thọ để giúp con ôn thi vào lớp 2. Các cháu thi qua Zoom, mà ông bà ở quê không thạo công nghệ nên anh phải về trực tiếp để hỗ trợ. 

Nói về năm học mới này, chị Dung bày tỏ băn khoăn, lo lắng, không biết qua mốc 23.8, rồi 6.9 thì hình thức học nào, trực tiếp hay online, sẽ được cơ quan quản lý quyết định. “Cô giáo của con vừa rồi có nhắc đến thông tin Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép học sinh đăng ký học tạm ở quê trong thời gian dịch, rồi nhà trường sau đó sẽ tiếp nhận lại. Khi biết được thông tin này, tôi đã nói với chồng liên hệ trường ở quê xem có tiếp nhận cháu hay không”- chị Dung chia sẻ.

Con chị Dung đang ôn lại bài ở quê. Ảnh: NVCC 

Nhưng dù trường ở quê có tiếp nhận cháu hay không thì chị Dung vẫn đầy những lo lắng, băn khoăn đối với việc học của con. Nếu được học tạm ở quê thì sẽ nảy sinh một vấn đề, đó là, theo tìm hiểu của chị, bộ sách giáo khoa mà con học ở quê sẽ không giống với bộ sách mà con sẽ học trên Hà Nội. 

Ngoài ra, nếu phải học online thì sẽ rất khó khăn cho con, nhất là khi con còn nhỏ tuổi, ông bà không thạo các thiết bị điện tử.

Con học online ông bà khó hỗ trợ

Anh Phạm Xuân Liêm (công nhân khu công nghiệp Thăng Long) cũng đã gửi 2 con (một cháu năm nay vào lớp 1, một cháu 4 tuổi) về quê từ trước khi Hà Nội tiến hành giãn cách. Anh Liêm cho biết, dù đã nộp hồ sơ nhập học online vào lớp 1 cho cháu đầu, nhưng anh chưa nhận được phản hồi của nhà trường. 

Điều anh khá lo lắng là, nếu con phải học online trong khi anh chưa thể đưa cháu lên cùng, thì sẽ rất khó khăn khi ông bà ở quê không phải là những người rành về máy móc, công nghệ để hỗ trợ cháu. 

“Đợt đưa các cháu về quê, do lường trước có thể phải học online, nên tôi đã mua trả góp 1 chiếc iPad gửi về cho cháu. Hy vọng là nếu phải học online, sau một vài lần được hỗ trợ, thì ông bà sẽ rành để giúp cháu” - anh Liêm cho hay. 

“Đau đầu” tính toán việc học của con, anh Liêm còn thêm lo lắng về thu nhập của gia đình. Hơn 10 ngày nay, do thôn Bầu bị phong toả, vợ chồng anh phải nghỉ làm ở nhà. Bình thường, nếu đi làm đều, thu nhập của cả hai vợ chồng anh được khoảng 14-15 triệu đồng/tháng; còn bây giờ, anh dự tính vợ chồng anh chỉ được hưởng 70% lương cơ bản, thu nhập sẽ bị giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, nếu thời gian nghỉ quá nhiều trong vòng 1 tháng, anh Liêm còn lo đến việc đóng bảo hiểm xã hội của mình… 

“Xa các con nhiều tháng nay rồi, nhớ chúng nó lắm mà chưa thể gặp con được. Tôi mong dịch được kiểm soát để sớm đón các con lên ở cùng và cũng là để công việc trở lại bình thường, có thu nhập ổn định như trước đây” - anh Liêm chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn