MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân lao động trực tiếp muốn nghỉ hưu sớm hơn so với quy định hiện hành. Ảnh: Bảo hân

Lo sức khỏe kém, nhiều lao động trực tiếp muốn nghỉ hưu sớm

bảo hân LDO | 26/06/2023 08:08

Công việc vất vả trong khi sức khỏe suy giảm khiến nhiều công nhân lao động trực tiếp lo ngại không thể đáp ứng được công việc khi tuổi đã cao. Nhiều người mong nghỉ hưu sớm.

Năm nay 46 tuổi, anh Nguyễn Văn H (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) đã cảm thấy mệt mỏi, khó đáp ứng được công việc.

Anh H quê Thanh Hóa, đang bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm, nhưng không dám bỏ việc về quê, bởi đơn giản sẽ rất khó kiếm một công việc mới ở độ tuổi này. “Vì cơm áo nên tôi vẫn cố gắng gồng mình chịu những cơn đau để tiếp tục làm việc” - anh H chia sẻ.

Với tổng thu nhập khoảng 9-10 triệu đồng/tháng, anh H phải lo việc ăn học của 2 con đang ở quê. Vợ anh làm nghề tự do ở quê, thu nhập thấp. Thời gian gần đây, công ty nơi anh làm việc cho công nhân luân phiên nghỉ việc hưởng 70% lương cơ bản, vì vậy, cuộc sống ngày càng khó khăn. Chưa kể, anh H còn phải dùng một phần tiền lương để chữa bệnh.

Theo quy định, anh H, sinh năm 1977, trong điều kiện làm việc bình thường, phải đến 62 tuổi mới được về hưu, nghĩa là còn 16 năm nữa. Giả sử anh đủ điều kiện về hưu sớm (bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên), thì cũng không quá 5 năm theo quy định, nghĩa là phải đến khi 57 tuổi anh mới được nghỉ hưu.

“Nghĩ đến độ tuổi trên dưới 60, tôi đã ái ngại vì biết khó có đủ sức khỏe để duy trì công việc đến thời điểm đó. Ngay cả bây giờ, tôi đã thấy mệt mỏi, khó khăn trong đáp ứng công việc rồi” - anh H than.

Nam công nhân này cho rằng, những người lao động trực tiếp như anh cần được nghỉ hưu sớm hơn để phù hợp với điều kiện sức khỏe, đặc thù công việc…

Sinh năm 1983, theo lộ trình tuổi nghỉ hưu thì phải 60 tuổi, tức gần 20 năm nữa chị Nguyễn Thị Tâm (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) mới được nghỉ hưu.

“Như vậy là quá dài. Hiện tại, tôi vẫn đáp ứng được công việc đứng máy, nhưng một vài tuổi nữa, tôi e ngại mình sẽ khó đáp ứng được công việc khi sức khỏe suy giảm. Thậm chí, có công ty còn tìm cách để không sử dụng lao động lớn tuổi” - chị Tâm chia sẻ.

Nữ công nhân này mong muốn tuổi nghỉ hưu của những lao động nữ trực tiếp như chị ở khoảng 50-55.

“Lao động nữ trực tiếp nghỉ hưu ở độ tuổi như trên là hợp lí; nếu phải 60 tuổi mới được nghỉ hưu là cao” - nữ công nhân đã có 15 gắn bó với nhà máy này chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn