MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loại bỏ những bình luận kỳ thị trên mạng xã hội

Bảo Hân LDO | 20/06/2021 18:00

Không ít công nhân khi tham gia mạng xã hội vẫn có những lời bình luận kỳ thị giới tính, chửi tục… Ngoài ra, có nhiều công nhân dù chưa biết về bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội vừa mới được ban hành, nhưng đã có những nguyên tắc của riêng mình trong “thế giới ảo”.

Tin giả vẫn còn xuất hiện trên mạng xã hội, trong đó, các hội nhóm của công nhân có không ít thông tin thất thiệt.

Theo thông tin trên báo chí, vào tháng 5 vừa qua, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Nghệ An và Công an huyện Tân Kỳ phát hiện tài khoản Facebook có tên “Lang Hoàng Chín” đăng tải một bài viết vào nhóm “Cộng đồng Công nhân KCN Phước Mỹ” (có hơn 340.000 thành viên) với nội dung: “Mọi người ơi, mình có thuốc Nam trị COVID-19 mà chưa có người bị COVID-19 để thử thuốc, mình đã uống rồi rất an toàn, phương thuốc có 6 loại lá vo lấy nước uống trực tiếp".

Lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh và làm việc với anh L.V.C (SN 1989) là chủ tài khoản Facebook “Lang Hoàng Chín” để làm rõ hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 lên mạng xã hội.

Tại cơ quan công an, anh L.V.C trình bày trước đó đã nghe một người hàng xóm nói rằng có một loại thuốc Nam khi uống vào có thể chữa được dịch COVID-19; vì thiếu hiểu biết và nên anh L.V.C đã đăng tải bài viết trên.

Cùng với tin giả, một vấn đề khác nữa là những bình luận kỳ thị, trong đó có kỳ thị giới tính.

“Thời buổi bây giờ cái gì đàn bà cũng đăng fb (Facebook) và dần dần bỏ bê gđ (gia đình) và ck (chồng) con. Và theo tôi nghĩ đó là một phong trào của phụ nữ”.

Đây là một status của một nam công nhân mà tôi vô tình nhìn thấy trên mạng xã hội. Một dòng trạng thái mang tính quy chụp, kỳ thị giới tính, xúc phạm phụ nữ.

Không chỉ trường hợp này, những bình luận kỳ thị giới tính còn xuất hiện tại nhiều tình huống khác, ví dụ như một vụ tai nạn giao thông do phụ nữ gây ra. “Bán xăng cho phụ nữ là một tội ác”- câu bình luận điển hình của kỳ thị giới tính, mặc dù đó có thể là một câu nói đùa vui.

Nhiều công nhân khi được hỏi vẫn chưa biết đến bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội. “Nhưng tôi có những nguyên tắc riêng khi tham gia mạng xã hội”- anh Đào Hoài Sơn, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Nguyên tắc của anh Sơn khi lên mạng là “không nên nói linh tinh trên mạng xã hội” và với bạn bè thì hay bình luận theo kiểu nói chuyện bình thường, pha chút hài hước. Anh Sơn ít khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Với những vụ việc như phụ nữ lái xe gây tai nạn, anh Sơn thẳng thắn cho rằng, việc ai làm, người đó chịu, còn lái xe gây tai nạn là chuyện vẫn xảy ra, không bất cứ là đàn ông hay phụ nữ. Vì vậy, anh không bao giờ có những bình luận phân biệt giới tính, khinh thường phụ nữ hay những dòng chữ miệt thị, xúc phạm người khác chỉ vì người đó có quan điểm khác mình.

Anh Phạm Xuân Liêm, công nhân Công ty Denso thì chia sẻ rằng, anh có đọc qua bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, chưa có thời gian để tìm hiểu sâu. “Nhưng tôi hiểu đơn giản là khi ở trên mạng xã hội thì cần phải tôn trọng, không được xúc phạm người khác”- anh Liêm bày tỏ quan điểm.

Anh Liêm cho hay, trong nhóm Facebook công nhân mà anh tham gia, vẫn có những lời nói tục ở những câu comment, nhưng đều là những từ viết tắt. Anh mong những người tham gia trên mạng xã hội ngày càng văn minh hơn để môi trường mạng ngày càng “sạch” hơn, lành mạnh hơn.

Nhiều người cho rằng, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hộ là cần thiết, nhưng cần có chế tài xử lý cụ thể nếu vi phạm. Ngoài ra, điều quan trọng là văn hoá, nhận thức của mỗi người, mà để có được điều này, giáo dục đóng vai trò hàng đầu cùng với sự trau dồi của bản thân mỗi người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn