MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sớm có giải pháp tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ. Ảnh: Cao Nguyên

Loay hoay tìm nguồn đất xây nhà thương mại giá rẻ

Cao Nguyên LDO | 08/03/2022 10:00
Nhu cầu mua nhà của người dân đặc biệt là người có thu nhập thấp tại các thành phố lớn chưa bao giờ dừng lại. Trong bối cảnh thiếu nguồn cung nhà giá rẻ thì có ý kiến cho rằng, nên sử dụng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội dư thừa để cho phân khúc này.

Đỏ mắt tìm nhà giá rẻ

Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở bình dân, giá thấp chiếm đến 70-80% thị trường. Còn nhu cầu nhà ở phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm 20-30%.

Tuy nhiên, thực tế, trong hơn 10 năm qua, số lượng căn hộ bình dân đưa ra thị trường giảm nhanh chóng, nhiều thời điểm nguồn cung trên thị trường bằng không, trong khi “cơn khát” nhà của người dân ngày càng tăng.

Theo ghi nhận của PV Lao Động những ngày cuối tháng 2, trên địa bàn TP.Hà Nội có gần chục dự án mở bán và sắp bàn giao. Thế nhưng, giá bán đều từ 35 triệu đồng/m2 - 40 triệu đồng/m2 trở lên. Căn hộ từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống gần như không có. Nếu có thì cũng cách trung tâm khoảng 15km và đa phần là nhà ở xã hội. Muốn mua phải qua nhiều khâu thẩm định chặt chẽ của nhà nước.

Gần 20 năm rời quê lên Hà Nội để học tập và sinh sống, anh Hà Long (38 tuổi quê ở Hà Tĩnh) cùng vợ là Bùi Thị Huệ (34 tuổi) phải chật vật mới mua được một căn chung cư tại huyện Thanh Trì với giá hơn 1 tỉ đồng.

“Với số tiền bỏ ra không phải là rẻ nhưng vợ chồng tôi phải cố, nếu không khó biết khi nào mới có nhà. Bao nhiêu năm ra Hà Nội cứ đi ở thuê, nhà chật chội, không có chỗ cho con cái chơi…” - anh Long tâm sự.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đức An (quê ở Hà Nam) nói rằng, gần cả năm trời nay tìm nhà nhưng không thể tìm được một căn nhà chung cư nào “vừa túi”, giá bán luôn vượt xa tầm tay của anh. Căn hộ dưới mức 1-1,5 tỉ đồng ở những dự án mới gần trung tâm Hà Nội như không có. Với mức tiền này phải cách xa trung tâm khoảng hơn 10km.

Là một trong những đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, DKRA Vietnam nhận định, căn hộ khoảng tầm 1-2 tỉ đồng là mức giá vừa tầm với, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Dòng sản phẩm vừa túi tiền, khoảng dưới 30 triệu đồng/m2, đáp ứng được chất lượng vẫn đang được kiếm tìm. Nhưng đáng nói, nguồn cung cho những nhu cầu này còn đang rất hạn chế.

Theo thống kê của Savill Việt Nam, hiện nay dự án nhà ở hạng C cũng đã có giá bán cao từ 37 - 60 triệu đồng/m2 (tính theo giá thông thủy).

Đáp ứng mục tiêu kép

Lâu nay, thực trạng thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ được nhắc đến nhiều. Qua đó, nhiều nguyên nhân cũng được đưa ra để tìm giải pháp, nhưng nguyên nhân lớn là do thiếu quỹ đất.

Góp ý giải quyết tình trạng trên, Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản đề xuất, sử dụng quỹ đất nhà ở xã hội dư thừa, không dùng đến để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

Vị Giám đốc này cho hay, để làm được nhà giá rẻ, cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều giải pháp. Đầu tiên là cho phép các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư khu đô thị tại các địa phương chưa sử dụng hết quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội (đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) được dành quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại giá rẻ.

Nếu chuyển quỹ đất 20% sang làm nhà ở thương mại giá thấp thì chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất như đối với phần diện tích đất xây dựng nhà ở thương mại trong dự án.

“Về giá bán nhà ở thương mại giá thấp cần được xem xét, điều chỉnh trong từng thời kỳ phụ thuộc theo sự biến động của thị trường. Trong giai đoạn trước mắt, giá bán nhà ở thương mại tại các thành phố trực thuộc trung ương không vượt quá 25 triệu đồng/m2; đối với các địa phương còn lại, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2 (giá bán đã bao gồm VAT, chưa có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung)” - vị này nói.

Bên cạnh đó, có thể xem xét các giải pháp như doanh nghiệp khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn quy định kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

Trước đề xuất này, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, đây là một ý kiến hợp lý tại thời điểm này. Bởi lẽ, hiện nay nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ đang rất nhiều trong khi thị trường lại khan hiếm. Điều đáng nói, ý tưởng này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Cụ thể như tránh lãng phí nguồn đất nhà ở xã hội đang để chờ. Thứ hai nhà ở thương mại giá rẻ thì cơ chế rất nhanh, linh hoạt từ khi khởi móng có thể mở bán.

“Khi thị trường đang thiếu nguồn cung mà chúng ta tận dụng để xây dựng rồi bán cho người dân sử dụng thì rất tốt. Dân vừa có nhà, doanh nghiệp có công việc, nhà nước được lợi… đây là mục tiêu kép” - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS-KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng cần cân đối nhà ở giá rẻ trong quy hoạch đô thị.

Theo đó, khu đất có giá trị sinh lời cao, vị trí, địa thế đẹp đương nhiên cần phải làm các khu đô thị thương mại cao cấp, thu lại lợi nhuận cao để tạo nguồn lực phát triển đô thị, đồng thời tạo ra được đột phá trong việc hiện đại hóa những vùng đô thị lõi.

Còn những khu vực có giá trị sinh lời trung bình hoặc thấp thì dành xây dựng các khu đô thị cho đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn