MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống BHXH của nước ta là một trong những chính sách mà Đảng, Nhà nước đặt ra để chăm lo đời sống cho NLĐ tại thời điểm hiện tại cho đến khi về hưu. Ảnh: Minh Phương

Lợi - hại từ 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Minh Phương LDO | 17/03/2023 08:51
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, song đề xuất hai phương án rút BHXH. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành; phương án 2 là người lao động chỉ được rút 50% tiền BHXH 1 lần nếu chưa đủ tuổi hưu. TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã có những phân tích về những cái lợi cũng như hạn chế của đề xuất trên.

Cần có thêm cơ chế để NLĐ trở lại với hệ thống an sinh

Theo ghi nhận, những ngày vừa qua, rất đông công nhân lựa chọn phương án 1 theo đề xuất. Lý do được đưa ra là khi chọn rút BHXH một lần, NLĐ vì khó khăn trước mắt, cần tiền để giải quyết. Đối với những công nhân lao động trực tiếp, rất khó làm việc đến tuổi nghỉ hưu trong khi ngoài 40, họ rất dễ bị sa thải, chuyển đổi công việc khác cũng ít cơ hội. Phải chờ đến tuổi hưu để nhận đủ tiền BHXH 1 lần là thiệt thòi đối với họ.

Phân tích về vấn đề này, TS Bùi Sỹ Lợi cho biết: NLĐ rút BHXH 1 lần vì giải quyết khó khăn trước mắt, tuy nhiên trong cuộc sống, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế chính sách như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được triển khai, thực hiện.

NLĐ lo bị sa thải ở tuổi lao động cao cũng có lý. Do vậy, phải có chính sách động viên doanh nghiệp duy trì sản xuất để giữ chân NLĐ.

Nếu quả thực NLĐ khó khăn thì có thể chấp nhận phương án 2. Xét về mặt lâu dài, nên có lộ trình, tuyên truyền vận động để cơ bản NLĐ không rút BHXH 1 lần, kể cả ở mức 50%.

Và rút 50% BHXH 1 lần phải phân tích phép toán: Số tiền này chưa hẳn đủ để NLĐ có tiền đầu tư sản xuất, làm nhà hoặc làm việc gì đó cần kinh phí nhiều hơn. Vậy cho nên, cần thêm chính sách của Đảng và Nhà nước để NLĐ yên tâm với phương án 2. Ví dụ, NLĐ chỉ được rút 50% BHXH 1 lần để xây dựng nhà ở thì có thể cho họ vay với lãi suất ưu đãi để làm nhà, thủ tục đơn giản khi vay vốn để khuyến khích họ ở lại hệ thống BHXH.

Ngoài đề xuất rút 50% BHXH 1 lần, nên cho NLĐ thêm cơ chế, sinh kế để tạo việc làm như vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, học nghề, đất đai, điều kiện để NLĐ phát triển sản xuất. Mở cơ hội để NLĐ được quay trở lại với hệ thống an sinh xã hội.

Phải làm cho NLĐ yên tâm với BHXH

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, hệ thống BHXH của nước ta là một trong những chính sách mà Đảng, Nhà nước đặt ra để chăm lo đời sống cho NLĐ, không phải chỉ chăm lo cho hiện tại khi NLĐ đang làm việc được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động bện nghề nghiệp... mà đến khi hết tuổi lao động vẫn có lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ tử tuất.

Đây là chính sách rất nhân văn, là trụ cột an sinh xã hội của đất nước. Tại sao NLĐ lại tranh luận nhiều về đề xuất chỉ được rút 50% BHXH nếu chưa đủ tuổi hưu? Vì trách nhiệm tuyên truyền, giải thích và công khai, minh bạch, thể hiện khi NLĐ đi nhận chính sách, quyền được hưởng khi làm chế độ BHXH còn khó khăn, khiến họ mất niềm tin.

Do vậy, cần làm tốt hơn, củng cố xây dựng hệ thống BHXH từ Trung ương đến địa phương phải thật sự hiện đại, năng động, gần gũi, chia sẻ và thực hiện chính sách cho tốt để đem lại niềm tin cho NLĐ tham gia vào hệ thống BHXH.

“Quan điểm rất đúng, đường lối rõ ràng, hệ thống chính sách nhân văn nhưng rõ ràng trong quá trình tổ chức thực hiện triển khai ở nơi nào đó, doanh nghiệp, cơ quan BHXH nào đó chưa làm tốt, dẫn đến NLĐ lo ngại, không yên tâm với BHXH” - TS Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

BHXH bắt buộc là tất cả doanh nghiệp khi đã ký hợp đồng lao động, hay nói cách khác là có quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ thì đã phải tham gia BHXH.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH. Rõ ràng ở đây có vấn đề về thanh tra, kiểm tra, xử lý, chưa làm triệt để và chưa coi đó là bài học, sức răn đe để chủ sử dụng lao động làm tốt chính sách với NLĐ.

Vấn đề rút ra ở đây là phải kết hợp nhiều giải pháp, tuyên truyền, giáo dục, thực hiện chính sách, đảm bảo đáp ứng được quyền lợi cho NLĐ.

“Kể cả khi thực hiện phương án 2  là người lao động (NLĐ) chỉ được rút 50% tiền BHXH 1 lần nếu chưa đủ tuổi hưu - nếu không có giải pháp và đồng hành cùng NLĐ lúc khó khăn thì NLĐ vẫn cứ khó khăn. Quan trọng là làm thế nào để NLĐ có niềm tin với hệ thống BHXH” - ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn