MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mai Thành Phương - Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam - trao quà cho đoàn viên khó khăn. Ảnh: T.E.A

Lúc cấp bách, tiền hỗ trợ đến thật kịp thời

Linh Nguyên LDO | 08/02/2022 11:34
Trong năm 2021, có hơn 6.000 lượt người lao động (NLĐ) ngành Đường sắt phải thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương. Không ít trường hợp cả vợ và chồng đều làm trong ngành, cùng phải hoãn HĐLĐ. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Bị tai nạn, mất 2/3 chân khi đi làm thêm công việc bên ngoài

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuý và Nguyễn Xuân Trường cùng làm việc tại Trạm tiếp viên Đường sắt Hà Nội. Bình thường, hai vợ chồng có 4 ngày liền đi tàu luân phiên nhau nên có thời gian chăm sóc cho 2 con, 1 bé học lớp 6, 1 bé học lớp 4. Vào nghề, gắn với những chuyến tàu 15 năm, chưa bao giờ vợ chồng chị Thuý (và cũng như những đồng nghiệp khác) gặp khó khăn như năm qua. Vì dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc, năm 2019 chị Thuý phải nghỉ 3 tháng, năm 2020 nghỉ 3 tháng, năm 2021 thì chỉ đi làm được 3 tháng.

Vì cả 2 vợ chồng phải nghỉ nhiều tháng không lương, để có thu nhập, chị Thuý và anh Trường tìm việc làm thêm ở ngoài. Trước đây, đi làm bình thường, thu nhập tháng cao điểm phục vụ Tết và hè của 2 vợ chồng được khoảng 6-7 triệu đồng/người; lúc thấp điểm thì thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng/tháng tuỳ mác tàu. Khi nghỉ dãn HĐLĐ luân phiên theo kế hoạch của đơn vị, anh chị phải tìm việc làm để có thu nhập lo cho gia đình gồm 1 mẹ già, 1 người anh bị bệnh, 2 vợ chồng và 2 đứa con…

Không may trong quá trình lao động (làm thêm ở ngoài trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ), đầu tháng 12.2021, anh Trường bị tai nạn, phải cưa 2/3 chân, phải xuống Bệnh viện Việt - Đức phẫu thuật, hiện chờ để lắp chân giả. Đang là trụ cột gia đình, giờ anh Trường chưa thể lao động. Mọi việc trong gia đình giờ dồn hết lên vai chị Thuý. Khó khăn chồng lên khó khăn. Chị Thuý cho biết, để vượt qua khó khăn của giai đoạn đầu chồng bị tai nạn, gia đình chị được sự quan tâm của lãnh đạo và Công đoàn các cấp của ngành, từ việc hỗ trợ tiền mặt, giải quyết bảo hiểm xã hội. Mừng hơn nữa, là sau này, nếu muốn đi làm trở lại thì anh Trường sẽ được bố trí công việc phù hợp. Công đoàn đơn vị cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân…

Trò chuyện với chúng tôi, chị Thuý chia sẻ, gắn bó với những chuyến tàu 15 năm rồi nên thời gian nghỉ dãn HĐLĐ luân phiên rất nhớ đồng nghiệp, nhớ hành khách, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. 

Nhà có 4 người F0, bố mẹ mất vì COVID-19

Đường sắt có khá nhiều cặp vợ chồng cùng trong ngành, cùng đơn vị nên khi các tỉnh, thành thực hiện giãn cách phòng, chống dịch COVID-19, họ cùng phải tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ luân phiên. Thời điểm đó, khó khăn không để đâu cho hết vì hoàn toàn không có thu nhập. Có những trưởng tàu đi làm bốc vác để có tiền chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Có người nhận làm tranh gắn đá, kiếm từng nghìn đồng. Nhưng khó khăn không ngừng theo đuổi họ. Người nhận làm tranh gắn đá thì bị lừa, tranh hoàn thành nhưng người thuê không đến nhận nên mất hết cả vốn, giờ để tranh… treo trong nhà. 

Người tích cóp mua cái xe máy, định chạy xe công nghệ, xe mua xong thì có lệnh giãn cách nên lại mang chiếu ra đắp cho xe.

Có những trường hợp trong đỉnh dịch ở Hà Nội, đoàn viên chịu nỗi mất cả cha lẫn mẹ do COVID-19, bản thân cũng mắc bệnh. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Vân, nhân viên bộ phận giặt là. Thu nhập khi bình thường là 4-5 triệu đồng, khi tàu dừng chạy thì chị Vân ở nhà. Chồng chị cũng làm trong ngành nhưng chưa phải là nhân viên chính thức nên thu nhập không ổn định, khi nào có tàu chạy thì đi làm nhưng cũng phải luân phiên. 

Không có việc làm trong thời gian các đoàn tàu dừng chạy, khó khăn ập đến với gia đình chị Vân. Đau đớn hơn, cả bố và mẹ chị đều qua đời vì COVID-19. Vợ chồng chị Vân cùng 2 con cũng trở thành F0. 

Nhớ lại lúc được đi cách ly, chị Vân kể khi đó trong túi còn vẻn vẹn chưa 1 triệu đồng. Chưa biết xoay xở ra sao thì may quá, chị nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị, từ đồng nghiệp, từ các cấp CĐ ĐSVN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn