MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù lương thấp, công chức xã, phường vẫn bám trụ với công việc. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Lương cán bộ xã, phường không đủ nuôi con

Minh Phương LDO | 03/10/2022 06:00
Làm việc tại xã, phường nhiều năm, công chức chỉ nhận mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng. Số tiền này, thật khó để nuôi một đứa con đang trong độ tuổi ăn học. Dẫu vậy, họ vẫn bám trụ với nghề vì tiếc công thi cử, ngại chuyển ngành.

Chán nản vì lương thấp

5 năm làm công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thúy chỉ nhận lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Với đồng lương eo hẹp, theo chị, chỉ đủ cho con nhỏ theo học trường mẫu giáo.

“Nhiều lần tôi muốn xin nghỉ việc vì lương thấp nhưng tiếc công thi cử, học tập nên lại cố bám lấy công việc này” - chị Thúy nói và cho biết thêm, sở dĩ, chị vẫn có thể trang trải cuộc sống vì nhờ thu nhập từ công việc kinh doanh của chồng. Còn với nhiều đồng nghiệp khác, nếu 2 vợ chồng cùng làm công chức thì đa phần phải bán hàng online hoặc làm thêm công việc khác.

Tốt nghiệp đại học, anh Trịnh Văn Đức có 15 công tác tại một phường thuộc TP.Hà Nội. Lương khởi điểm của anh hệ số 2,34, sau 15 năm, bậc lương nâng lên 4,98. Chưa trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, lương hơn 7 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều năm làm công chức tại phường, anh Đức gần như không có tích lũy. Có 2 người con đang học cấp 1, số tiền lương ít ỏi so với mức chi tiêu ở thủ đô, anh Đức muốn xin nghỉ việc nhưng lại lo lắng khó thích nghi với công việc mới.

Thu nhập của anh chỉ bằng 1/2 lương của vợ. Để có thể vẫn bám trụ được ở thành phố, anh Đức được gia đình nội ngoại 2 bên hỗ trợ tiền học của con. Căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm gia đình anh đang sinh sống cũng là nhờ bố mẹ để lại.

“Lương công chức “3 cọc, 3 đồng”, tôi cũng thấy chán nản. Dù được bố mẹ chu cấp thêm nhưng vợ chồng tôi cũng phải chi tiêu dè dặt vì ông bà không phải lúc nào cũng bên cạnh” - nam công chức nói.

Chị Thúy, anh Đức là những ví dụ điển hình của việc lương công chức nhà nước khó đảm bảo mức sống. Những người làm công chức như chị Thúy, anh Đức đều hi vọng được tăng lương theo Nghị quyết 27, để công chức có động lực làm việc.

Lương công chức cao nhất bao nhiêu?

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương được kỳ vọng là một trong những giải pháp cốt yếu để cán bộ, công viên chức sống được bằng lương. Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh, cải cách tiền lương cho đội ngũ này đã bị “lỡ hẹn”.  

Trước đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang tổng hợp ý kiến để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp khi thực hiện chế độ tiền lương mới theo nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Nghị định 204/2004 và Nghị định 17/2013 sửa đổi Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, hiện nay có 7 bảng lương. Lương cở sở là 1,49 triệu đồng.

Công chức có mức lương cao nhất là người giữ chức danh chuyên gia cao cấp bậc 3 (trừ các chức danh lãnh đạo bầu cử, bổ nhiệm) có hệ số 10.00 nhân với mức lương cơ sở là 14,9 triệu đồng, tương đương lương bộ trưởng.

Công chức còn lại được chia thành 6 nhóm theo ngạch gồm: A3, A2, A1, A0, B và C. Tương ứng với đó là từng ngạch, bậc và mức lương cụ thể cao nhất là hệ số 8.00 với mức lương 11,92 triệu đồng/tháng và thấp nhất có hệ số 1.35 với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn