MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân xây dựng trên công trường đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Lương đủ sống, CNLĐ mới yên tâm làm việc

NHÓM PHÓNG VIÊN LAO ĐỘNG LDO | 26/07/2018 08:27

Có mặt tại khu nhà trọ của công nhân tại một số KCN những ngày trước khi diễn ra phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (diễn ra ngày hôm nay, 26.7), PV Báo Lao Động vẫn gặp những câu chuyện cũ: Thu nhập không đủ sống khiến công nhân “hụt hơi”, trong khi giá cả, chi phí sinh hoạt cho cuộc sống của họ ngày càng tăng. Nhiều người trong số họ làm công nhân nhiều năm nhưng không thể tích góp, tiết kiệm được đồng nào.

“Làm đồng nào, cuối tháng hết đồng đấy”

Khi được hỏi về cuộc sống của mình, chị Nguyễn Thị Liên - công nhân (CN) đang làm trong KCN Bắc Thăng Long - cho biết, thu nhập của chị chỉ ở mức 4 triệu đồng/tháng, cộng cả của chồng nữa là 7-8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một tháng, vợ chồng chị phải mất tiền thuê nhà hơn 1 triệu đồng/tháng; tiền điện nước hơn 800.000 đồng/tháng. Hai vợ chồng phải gửi con gái về quê nhờ ông bà trông giúp. Làm đồng nào, cuối tháng hết đồng đấy, nên mặc dù làm CN đã lâu, nhưng anh chị không tiết kiệm được đồng nào, vì vậy ước mơ có được ngôi nhà tại Hà Nội này quá xa vời.

Còn anh Nguyễn Huệ (quê Nam Định, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long) cho biết, hai vợ chồng anh đi làm CN, lương hằng tháng không đủ để nuôi hai đứa con đi học và chi tiêu cho gia đình. Nếu không làm thêm, thu nhập của anh chỉ gần 5 triệu đồng; còn làm thêm mới được 6 triệu đồng. Để có thêm tiền, anh chọn làm ca 12 tiếng hoặc làm ca đêm để được nhiều tiền hơn so với làm ban ngày, mặc dù biết điều này sẽ gây hại cho sức khỏe của mình về lâu dài. Anh Huệ tính sơ sơ hai đứa con đi gửi mẫu giáo trường tư, mỗi tháng hết 3 triệu đồng, tiền sữa cho con cũng mất 2 triệu đồng nữa. Còn tiền nhà, tiền điện nước 1,5 triệu đồng; tiền ăn uống, sinh hoạt của vợ chồng con cái tiết kiệm cũng hết 2 triệu đồng. Đấy còn chưa kể hai cháu nhà anh, mỗi tháng ốm nhẹ mất 1 triệu đồng tiền thuốc, nặng không biết bao nhiêu cho đủ.

Chị Phạm Thị Lụa - CN Cty Loran Knit, TPHCM - vừa nói, vừa chỉ tay lên cổ: “Em bị bướu cổ to thù lù nè mà có dám đi trị đâu. Vào bệnh viện là tiền, ít nhất phải vài triệu đồng mà với vợ chồng em, tiền lương phải tằn tiện dữ lắm mới sống được. Em mà điều trị là không có tiền gửi về quê cho con”. Chị Lụa và chồng là anh Bùi Văn Thống cùng là CN của Cty Loran Knit, mức lương hằng tháng của hai vợ chồng đều là 4.260.000 đồng/tháng, nếu làm ca đêm thì được phụ cấp thêm 500.000 đồng/tháng. Với số tiền lương ít ỏi đó, hằng tháng, anh chị dành 1,5 triệu đồng để trả tiền phòng trọ, mà đó là phòng trọ được bà chủ tốt bụng không tăng giá, điện nước xài nhiêu trả nhiêu, không bị lấy cao như những chỗ khác. 2 triệu đồng anh chị gửi về cho bà ngoại ở dưới quê nuôi con. Còn lại ăn uống, đi lại, bao nhiêu năm rồi, chẳng để dành được gì.

CNLĐ luôn muốn được tăng lương tối thiểu để đáp ứng mức sống tối thiểu của họ và gia đình. Ảnh minh họa: V.H

Cần thiết tăng lương tối thiểu

Theo khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống năm 2018 do Tổng LĐLĐVN tiến hành vừa qua, tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ. Mức thu nhập như trên khiến NLĐ rất khó khăn trong chi tiêu, sinh hoạt. Cụ thể, qua số liệu xử lý phiếu khảo sát năm 2018, có 2.885 NLĐ đang sống chung hộ gia đình với người thân, với số lượng, cơ cấu là 3,7 nhân khẩu/hộ, trong đó có 2,05 người phụ thuộc (con nhỏ) và 1,65 lao động hưởng lương, cho thấy mức chi tiêu trung bình của một hộ gia đình khoảng 7,38 triệu đồng/tháng. Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% số NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà NLĐ dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

Nói về mức lương hiện nay, ông Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Cty xây dựng Quốc tế Bắc Sơn - cho biết, việc trả lương để đảm bảo đời sống cho NLĐ là việc làm bình thường của mỗi doanh nghiệp. Vì nếu muốn phát triển, muốn giữ chân những lao động thạo nghề thì DN phải trả lương cho họ ở mức đủ sống. Hiện NLĐ không thể đủ sống với mức lương tối thiểu vùng (3,98 triệu đồng/người/tháng cho vùng 1). Mức lương quy định này chỉ dành cho lao động học việc. “Tại Cty chúng tôi đang trả lương bình quân cho NLĐ là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, NLĐ còn có thêm các khoản phụ cấp như tăng ca, thêm giờ, phương tiện đi lại và cả nhà trọ khi phải làm tại các công trường xa, có như vậy mới giữ chân và để NLĐ yên tâm làm việc tại DN. Việc trả lương cũng phải tuỳ thuộc vào tình hình SXKD của mỗi DN và cả năng suất lao động của NLĐ. Do vậy, buộc các DN phải tính toán để trả lương đúng người, đúng việc để NLĐ có điều kiện cống hiến tốt nhất cho sự phát triển của DN”.

Còn theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Nhất Nam - mặc dù mức lương cao hay thấp đều phụ thuộc vào nhiều vấn đề: Khả năng chi trả của DN, năng suất của CNLĐ, nhưng DN vẫn phải thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật. Nếu mức lương tối thiểu vùng không đủ để NLĐ đảm bảo mức sống, thì nên điều chỉnh tăng. Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Bích Hải - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Toto Việt Nam - cho rằng: “Việc tăng lương tối thiểu vùng như Tổng LĐLĐVN đề xuất là cần thiết. CNLĐ đều có nguyện vọng tăng lương tối thiểu vùng. Tại Cty TNHH Toto Việt Nam, mỗi khi Nhà nước có chính sách tăng lương tối thiểu vùng, Cty đều thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, Cty chúng tôi còn cộng thêm cho CNLĐ phần tăng chi phí trượt giá và tiền tăng năng lực trong lao động của CNLĐ. CNLĐ hiện nay rất khó khăn, nhiều người trong số họ phải đi làm xa nhà, thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ, gửi con nhà trẻ… nên việc tăng lương tối thiểu vùng là rất cần thiết”.

Liên quan đến đời sống của CNLĐ hiện nay, ông Bùi Gia Hiệp - Chủ tịch CĐ Cty CP May Lan Lan (Thái Bình) - chia sẻ, ngay từ đầu năm 2018, Cty đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Cty có chế độ đãi ngộ NLĐ tương đối tốt, hiện mức thu nhập trung bình của NLĐ tại Cty là 6-7 triệu đồng/người/tháng, mức này khá cao so với nhiều Cty, nhưng có những khoản điều chỉnh theo hiệu quả kinh doanh Cty. Tuy nhiên, nếu cả vợ chồng cùng làm công nhân và có con nhỏ thì chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày cũng phải tính toán hết mức bởi ngoài tiền thuê nhà, ăn uống, tiền học… còn những khoản khác như ma chay, hiếu hỷ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn