MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công việc ít, lương thấp, công nhân không hy vọng được thưởng Tết. Ảnh: Thành Nhân

Lương giảm, công nhân không kỳ vọng nhiều vào thưởng Tết

Minh Hà LDO | 23/12/2023 18:37

Doanh nghiệp gặp khó khăn, công việc ít, lương giảm, nhiều công nhân chia sẻ, họ không trông chờ được thưởng Tết nhiều bằng mọi năm.

Lương giảm, cuộc sống bấp bấp bênh

Làm công nhân trong lĩnh vực điện tử tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã 18 năm, đến thời điểm hiện tại, tổng lương, trợ cấp hàng tháng của chị Trần Thị Hằng chỉ khoảng hơn 9 triệu đồng.

Để sinh sống và nuôi 2 con trong độ tuổi ăn học, gia đình chị Hằng phải chắt bóp, tính toán nhiều khoản chi tiêu.

“Các con càng lên lớp lớn, việc học hành, học thêm càng tốn kém. Ăn uống, chi tiêu phải tính toán mới có thể co kéo đủ. Đấy là chưa kể khi chẳng may ốm đau, bệnh tật, phải đi vay mượn” - chị Hằng nói.

Cùng hoàn cảnh với chị Hằng, gia đình anh Nguyễn Thế Đồng (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), hiện là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long cũng phải cân đối từng khoản chi tiêu mới có thể đủ sinh hoạt cho cả gia đình.

“Thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu cũng chỉ tạm đủ sinh sống. Chi phí thuê nhà trọ, điện nước, học hành cho con cái, rồi học thêm, rất nhiều loại chi phí phát sinh” - anh Đồng nói.

Nỗi lo lắng, trăn trở của anh Đồng càng ngày càng lớn, bởi con đầu của anh năm nay học lớp 9, chuẩn bị ôn thi vào lớp 10. Ở độ tuổi này, con cầu đầu tư thời gian, tiền bạc để học thêm, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

"Tôi đang cân nhắc giữa việc cho cháu học ở 1 trường THPT tư thục hay gửi về quê học, nhờ ông bà chăm sóc" - anh Đồng chia sẻ.

Công nhân ngóng thưởng tết

Anh Đồng, chị Hằng chỉ là 2 trong số rất nhiều công nhân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Những năm trước, công việc nhiều, họ có thể làm tăng ca, làm ngoài giờ và được hưởng thêm 1 phần thu nhập, trang trải cuộc sống. Song thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nền kinh tế suy thoái, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lượng đơn hàng giảm nên chủ yếu, công nhân làm theo giờ hành chính, không có việc làm thêm. Chính vì vậy, thu nhập của họ cũng giảm sút.

Năm hết, tết đến, tâm lý chung của nhiều công nhân là được thưởng tết để có tiền về quê.

"Mọi năm, lương, thưởng Tết được tính theo mức đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Tôi mong thưởng Tết năm nay được nhiều hơn 1 chút, hy vọng công ty sẽ thay đổi, thưởng theo cả thâm niên" - chị Trần Thị Hằng (Đông Anh, Hà Nội chia sẻ).

Không giống chị Hằng, khi được hỏi về tiền lương, thưởng Tết, anh Nguyễn Thế Đồng (Đông Anh, Hà Nội) lại tỏ ra không mấy mặn mà: "Tôi không kỳ vọng nhiều vào thưởng Tết. Công ty làm ăn được mới thưởng được cho công nhân. Một số công ty còn cho công nhân nghỉ không lương hoặc hưởng 70% lương cơ bản. Dù vậy, tôi vẫn mong công ty tạo điều kiện, trích 1 phần cho công nhân có tiền thưởng về quê ăn tết".

Ngày 20.12, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận, chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2024 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Nếu đề xuất được duyệt, lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).

Với lương tối thiểu vùng theo giờ, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng thống nhất phương án tăng thêm 6% từ ngày 1.7.2024.

Cụ thể, Vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.000 đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn