MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương hưu dưới mức lương tối thiểu: Tuổi cao vẫn chạy xe ôm

Bảo Hân LDO | 24/10/2022 16:31
Cuộc sống khó khăn do lương hưu thấp dưới cả mức lương tối thiểu khiến nhiều người vẫn buộc phải tiếp tục đi làm dù sức yếu, mang trong mình nhiều bệnh tật. 

Đầu năm 2022, sau 25 năm làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Văn Tuyến (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) quyết định về hưu sớm do sức khoẻ không đảm bảo. 

Thời điểm về hưu, ông Tuyến mới 54 tuổi với kết quả giám định sức khoẻ suy giảm 81%.

“Ngày nhận được quyết định nghỉ hưu, nhìn thấy con số 1,6 triệu đồng tiền lương hưu, thực sự tôi rất chán chường, thất vọng vì sau nhiều năm làm việc, cuối cùng lại chỉ được hưởng mức lương hưu quá thấp như ” – ông Tuyến tâm sự. 

Mức lương hưu ông Tuyến được hưởng còn thấp hơn mức lương tối thiểu hiện đang áp dụng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang là 3.640.000 đồng/tháng. 

Ông Tuyến cho biết, trong thời gian làm việc, ông được công ty trả lương theo sản phẩm. Tháng cao nhất, ông được 9-10 triệu đồng tiền lương, còn bình thường chỉ được khoảng hơn 6 triệu đồng. Theo ông Tuyến, sở dĩ ông nhận lương hưu thấp là do công ty đóng bảo hiểm xã hội cho ông ở mức lương thấp; đồng thời do ông về hưu “non”. 

Lương hưu thấp nên ông Tuyến buộc phải đi làm thêm, mặc dù sức đã yếu, mang trong mình nhiều bệnh tật. Ông chạy xe ôm, nhận chở hàng để kiếm thêm mỗi tháng khoảng 3-4 triệu đồng. 

Nếu không đi làm thêm, ông Tuyến không có tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình. Vợ ông không có thu nhập ổn định, con đang học THPT. Hầu như chi phí của cả gia đình đều trông chờ vào lương hưu và tiền làm thêm của ông. 

Tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu đi, chi phí gia đình ngày càng cao khiến ông Tuyến rất lo lắng khi nghĩ đến tương lai sau này, hoặc không dám nghĩ đến… 

Cũng trong tình cảnh tương tự với ông Tuyến là bà Nguyễn Thị Thu Hiền (trú phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang). Làm cùng công ty với ông Tuyến, bà Hiền nhớ lại, khi còn làm việc, 1 tháng trung bình bà có thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng; tháng cao nhất là 7-8 triệu đồng. 

“Công ty tính lương cho công nhân theo sản phẩm, nhưng đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương thấp” – bà Hiền cho biết. 

Năm 2020, dù chưa đủ tuổi về hưu (mới 50 tuổi), bà đi giám định sức khoẻ để được về hưu sớm. Kết quả suy giảm sức khoẻ 74%, bà được hưởng lương hưu với tỉ lệ 45%. 

“Hiện mỗi tháng, tôi nhận lương hưu là 2.159.000 đồng. Với số tiền này, chỉ đong gạo, mua rau cho gia đình cũng đã hết rồi. Tôi phải chi tiêu rất tằn tiện, nhưng lương hưu chỉ khoảng 10-20 ngày là hết” – bà Hiền cho hay. 

Bà Hiền còn phải phụng dưỡng mẹ già, năm nay đã tuổi cao, sức yếu. Từ khi về hưu, bà Hiền phải làm thêm công việc dọn dẹp nhà cửa, nhưng do sức yếu nên giờ đã bỏ. Chồng bà hiện vẫn đang đi làm, nhưng mức lương cũng rất thấp, nên sau này về hưu, lương hưu cũng sẽ thấp. Thường xuyên đau ốm, người phụ nữ này hàng tháng còn phải chi số tiền không nhỏ để mua thuốc. Con bà Hiền (đang làm ở Hà Nội) thi thoảng phải gửi tiền về để hỗ trợ bố mẹ già. 

“Điều tôi lo lắng nhất là sức khoẻ yếu đi theo thời gian, tiền mua thuốc, trị bệnh theo đó cũng nhiều lên, trong khi lương hưu quá thấp. Tôi mong có chính sách điều chỉnh lương hưu thấp của những người như chúng tôi ít nhất bằng với mức lương tối thiểu để đỡ đi phần nào khó khăn, bớt lo lắng khi tuổi đã già” – bà Hiền bày tỏ.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn