MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngừng việc tập thể kéo dài 6 ngày ở Công ty Oanh Vân (Tiên Lãng, Hải Phòng). Ảnh: CTV

Lương không tăng, đời sống bấp bênh, người lao động bức xúc

Mai Dung LDO | 07/04/2022 11:26
Nửa cuối tháng 3.2022, TP.Hải Phòng liên tiếp xảy ra 2 vụ ngừng việc tập thể, đều tại các doanh nghiệp lĩnh vực da giày. Theo đại diện lãnh đạo LĐLĐ TP.Hải Phòng, nguy cơ xảy ra ngừng việc tập thể ở khối doanh nghiệp da giày, may mặc trên địa bàn thành phố là khá lớn.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngừng việc

Chiều 18.3, hơn 2.000 công nhân Nhà máy giày Tam Cường (Công ty TNHH Đỉnh Vàng) ngừng việc tập thể. Người lao động kiến nghị doanh nghiệp tăng mức lương cơ bản, hỗ trợ tiền xăng xe; tăng tiền ăn trưa; yêu cầu phải được hưởng bữa ăn phụ nếu làm thêm giờ buổi tối, chi tháng lương thứ 13; đóng BHXH theo mức lương cơ bản…

Đại diện Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP.Hải Phòng nhận định, các kiến nghị của người lao động là chính đáng do hiện tại các chế độ chính sách công ty áp dụng là thấp so với mặt bằng chung. Đây cũng không phải lần đầu Công ty TNHH Đỉnh Vàng để xảy ra ngừng việc tập thể

Đến ngày 25.3, phía doanh nghiệp ra thông báo mới, trong đó có nhiều mức “thỏa hiệp” với công nhân sau khi người lao động ngừng việc tập thể kéo dài để cả tuần.

Theo đó, nhà máy thông báo sẽ hỗ trợ tiền xăng xe với mức 150.000 đồng/tháng; bữa ăn ca 15.000 đồng/suất; điều chỉnh tiền thâm niên theo các mức nếu làm việc từ 6 tháng trở lên, công nhân được hưởng 30.000 đồng/tháng, làm 1 năm được hưởng 60.000 đồng/tháng; làm đủ 2 năm là 120.000 đồng/tháng, 3 năm là 200.000 đồng/tháng, làm đủ 4 năm là 250.000 đồng/tháng, làm đủ 5 năm được 300.000 đồng/tháng. Mức thâm niên công nhân được điều chỉnh đến thời hạn nếu làm đủ 20 năm (được hưởng 420.000 đồng/tháng).

Về mức đóng BHXH, công ty căn cứ theo quy định pháp luật, bằng việc lấy mức lương cơ bản, cộng với thâm niên và tiền độc hại để đóng BHXH cho công nhân. Nhà máy cam kết không thay đổi công thức đóng BHXH này cho người lao động.

Ngay sau vụ ngừng việc tại Nhà máy giày Tam Cường, chiều 28.3, 800 công nhân Công ty TNHH Đầu tư Oanh Vân (doanh nghiệp sản xuất giày trên địa bàn huyện Tiên Lãng) tập trung ở cổng công ty, đưa ra hàng loạt kiến nghị tăng tiền lương cơ bản thêm 250.000 đồng/tháng; tăng tiền chuyên cần từ 180.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền xăng xe 200.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền gửi xe 100.000 đồng/tháng; tăng tiền ăn từ 18.000 đồng/ngày lên 20.000 đồng/ngày; Chi tiền phụ cấp độc hại và đóng BHXH cho số công nhân còn lại.

Sau gần một tuần ngừng việc, đến sáng 2.4, phần lớn công nhân quay trở lại làm việc sau khi công ty này đưa ra mức điều chỉnh: Tăng tiền lương cơ bản thêm 230.000 đồng/tháng lên mức thấp nhất là 4.960.000 đồng/tháng; hỗ trợ tiền xăng xe 80.000 đồng/tháng; tăng phụ cấp độc hại từ 100.000 đồng/tháng lên 150.000 đồng/tháng; tăng tiền ăn từ 18.000 đồng/bữa lên 20.000 đồng/bữa; hỗ trợ tiền gửi xe 80.000 đồng/tháng (chỉ áp dụng với danh sách công nhân không gửi xe tại nhà xe công ty).

Công ty sẽ tham gia BHXH cho toàn bộ người lao động đã ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên từ 1.4.2022. Trong thời gian người lao động nghỉ việc từ ngày 28.3 đến hết ngày 31.3, công ty sẽ tính vào ngày nghỉ phép năm và không cắt tiền chuyên cần.

Công đoàn tại cơ sở giải quyết tranh chấp

Tại hội nghị rút kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể vừa được tổ chức, cán bộ công đoàn các cấp ở Hải Phòng đều nhận định nguy cơ xảy ra ngừng việc tập thể dây chuyền trong thời điểm này là khó tránh khỏi. Một phần do từ năm 2020 đến nay lương tối thiểu vùng không tăng, doanh nghiệp viện vào lý do đó để không nâng lương cho người lao động. Lương không tăng nhưng các loại chi phí sinh hoạt lại tăng, đời sống bấp bênh, người lao động dẫn đến bức xúc, ngừng việc tập thể.

Một nguyên nhân khác là do vai trò tổ chức công đoàn tại cơ sở chưa đủ mạnh. Bà Bùi Thị Hợp - Chủ tịch Công ty TNHH Đỉnh Vàng - cho biết, tại Nhà máy giày Tam Cường có công đoàn bộ phận. Song, bộ máy còn yếu, chủ tịch công đoàn là kế toán nhà máy, công việc chuyên môn rất bận rộn, chưa có kinh nghiệm hoạt động công đoàn, ngoài ra cán bộ công đoàn tại đây liên tục biến động...

Hay như ở Công ty Kai Nan, chủ tịch công đoàn kiêm kế toán trưởng, do không có kinh nghiệm công tác công đoàn nên khi xảy ra ngừng việc, công đoàn cơ sở phải “cầu cứu” Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng vào cuộc xử lý.

Ngoài ra, theo bà Lê Thị Thanh Thuỷ - Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ TP.Hải Phòng, hiện nay có những tổ công đoàn cơ sở có đến hàng nghìn đoàn viên, tổ trưởng, tổ phó công đoàn... rất khó trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đoàn viên, người lao động.

Ông Đào Trọng Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng yêu cầu các cấp công đoàn khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ công đoàn, kiện toàn ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cần thiết. Các đơn vị chú trọng tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất tại doanh nghiệp, từ đó giải quyết kiến nghị của người lao động kịp thời, tránh mâu thuẫn, bức xúc kéo dài dẫn đến ngừng việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn