MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH Komega-X (Khánh Hoà) hiện tăng ca mỗi tháng 30 giờ. Ảnh: Phương Linh

Lương tăng ca chỉ bằng bó rau, người lao động miền Trung không mặn mà

Tường Minh - Phương Linh LDO | 23/03/2022 16:13

Phần lớn người lao động ở các tỉnh Miền Trung không mặn mà với việc tăng ca vì lương tăng ca chỉ bằng bó rau ngoài chợ.

Một giờ được 15 -30 ngàn đồng

“Thực tế mỗi giờ tăng ca tại công ty được 15-30 ngàn đồng, trong khi cũng khoảng thời gian đó, nếu về nhà tôi có thể làm thêm việc ngoài.

Bởi hiện nay, mặt bằng giá cả sinh hoạt đã lên cao nhưng lương cơ bản không tăng, lương làm tăng ca chỉ bằng bó rau nên chỉ làm một việc thì công nhân không đủ sống”, chị Nguyễn Thị Vân Anh - công nhân một công ty may tại Khánh Hòa giải thích lý do mình nói không với tăng ca.

So với nhiều địa phương, mặt bằng chung thời gian tăng ca tại các doanh nghiệp ở khu công nghệp, cụm công nghiệp Khánh Hòa dao động từ 30-40 giờ/ tháng theo quy định.

Trước dịch COVID-19, mặt bằng chung thu nhập của người lao động địa phương này tương đối cao do thu nhập khối dịch vụ du lịch cao. Từ khi dịch bùng phát thì nhân lực chuyển dịch nhiều, thu nhập cũng giảm hơn.

Thời điểm này, các doanh nghiệp tại Khánh Hòa đang phục hồi sản xuất, tăng trưởng trở lại nên nhân lực khối sản xuất đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Công việc đơn hàng đã tăng trưởng trở lại cao hơn cả thời điểm trước trước dịch.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ở đây phải tăng thêm thời gian sản xuất cho người lao động. Tuy nhiên, việc tăng ca lại không được nhiều người lao động mặn mà do mức thu nhập thực tế của công nhân lại đang bỏ xa mức chi tiêu do vật giá leo thang. 

Tăng ca sao lại theo yêu cầu?

Đọc thông báo tuyển dụng của một Công ty đóng tại Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), anh Nguyễn Văn Sơn (trú huyện Diên Khánh) lắc đầu nói: “Tăng ca là tự nguyện mà mô tả công việc công ty đưa ra là tăng ca theo yêu cầu của tổ trưởng, điều hành, quản đốc nên tôi không nộp hồ sơ nữa dù đang không có việc”.

Theo anh Sơn, 10 năm đi làm công nhân ở một công ty thủy sản trong Khu công nghiệp Suối Dầu, anh cũng như nhiều công nhân quá quen với việc tăng ca. Thời gian tăng ca kéo dài khiến anh Sơn dường như không còn thời gian cho gia đình, vì thế anh quyết định xin nghỉ để tìm một công việc phù hợp.

“Tôi đi làm từ 7h sáng đến 21h mới về nên nhiều lúc chỉ nhìn thấy mặt vợ con được vài tiếng. Sau đợt dịch, thấy cuộc sống cần thay đổi nên tôi quyết định tìm việc khác để có thêm thời gian với con”, anh Sơn chia sẻ.

Với nhiều lao động khác, như anh Hiển – công nhân của Công ty Cổ phần Caosu Đà Nẵng thì “không có nhu cầu tăng ca” bởi mỗi tháng làm từ 23-25 ngày công như hiện nay đã là vắt kiệt sức và gần như không có thời gian cho gia đình, đặc biệt là việc hỗ trợ các con học tập cũng như nuôi dạy.

“Tiền cũng cần thiết, nhưng gia đình, con cái và bảo đảm sức khoẻ bản thân quan trọng hơn”, anh Hiển nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn