MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương tháng của lao động Việt Nam còn thấp so với lao động trong khu vực

ANH THƯ LDO | 21/08/2022 11:24
Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động Việt Nam có thể xem được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986, đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Hệ thống thể chế, luật pháp, chính sách về thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung - cầu lao động gia tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người; chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%.

Bên cạnh đó, Đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam cho biết, qua khảo sát, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế.

Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD  (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Từ những số liệu trên có thể thấy, lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp.

Đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thì sẽ dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

"Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế" - ông Công nói.

Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên thị trường lao động.

Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp tại nhiều ngành nghề đã thực hiện các chương trình nội bộ, bao gồm cả các ngành nghề thâm dụng lao động cho đến các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao và những ngành nghề mới thực hiện việc tự đào tạo, trang bị kỹ năng cho người lao động thông qua các chương trình đào tạo nội bộ của riêng mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn