MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu nhà trọ của công nhân KCN Cái Lân, TP.Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Lương thấp, công nhân không dám đưa con đi chơi

Nguyễn Hùng LDO | 16/04/2022 09:04
Chi tiêu tằn tiện, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ cho những sinh hoạt tối thiểu của gia đình 4 người sống trong nhà trọ tồi tàn, rộng 15m2, do đó nữ công nhân Đỗ Thị Hà không dám đưa con đi chơi. “Khu vui chơi nào cũng đắt, chỉ sợ các con đòi mua cái này, cái kia…” - chị Hà tâm sự.

Chị Đỗ Thị Hà làm công nhân Công ty nến nghệ thuật AIDI, KCN Cái Lân, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tính đến nay được khoảng 10 năm, với mức lương cơ bản là 5,6 triệu đồng/tháng, nếu làm đủ 26 công.

Trước khi chưa có dịch COVID-19, tổng thu nhập mỗi tháng của chị cao nhất chỉ khoảng 7 triệu đồng. Chồng chị làm công nhân ở một công ty gạch ngói gần đó cũng ở mức đó.

Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, rồi con cái mắc COVID-19, thu nhập giảm hẳn, trong khi giá cả sinh hoạt liên tục leo thang.

Chưa kể, sống ở Hạ Long - thành phố du lịch, nên bất kỳ người dân nào cũng phải ăn uống, sinh hoạt theo giá cả của du lịch.

“Nếu ở quê, có nhà cửa thì mức thu nhập đó tạm ổn và có tích lũy, nhưng giá cả ở Hạ Long quá đắt đỏ. 2 đứa nhỏ nhà em, một đứa học lớp 6, đứa kia học lớp 2 nên cũng tốn kém. Với mức thu nhập trên, khéo léo, tằn tiện thì chỉ đủ cho một số nhu cầu tối thiểu, nói gì tới tích lũy” - chị Hà cho biết. Từ ngày sống và làm việc ở Hạ Long, gia đình chị chưa một lần đi thăm vịnh Hạ Long hay vào các khu vui chơi giải trí.

“Em không dám mơ đến các khu vui chơi, giải trí vì ngoài giá vé đắt, sợ các con đòi mua cái này, cái kia. Không mua thì áy náy, mà mua thì xa xỉ” - chị tâm sự thật lòng.

Anh Bùi Văn Thành - công nhân một công ty trong KCN Việt Hưng, TP.Hạ Long - cho biết, cả làm tăng ca thì tổng thu nhập của anh hiện chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. “Nhà đi thuê, giá cả liên tục leo thang, nên công nhân chúng tôi ngày đi làm, tối ở nhà, chẳng dám đi đâu. Lo ăn còn chật vật, nói gì tới hưởng thụ văn hóa, giải trí. Giá nhà, đất thì tăng chóng mặt, tiền tích lũy thì không có, chắc cứ phải đi thuê nhà mãi” - anh Thành chua xót.

Hiện, mức lương tối thiểu ở Hạ Long thuộc vùng 2, trong đó áp dụng cho công nhân ở các KCN là 3,710 triệu đồng.

“Nhân với 7% thì là khoảng 4,1 triệu đồng/tháng. Một số DN trả cao hơn là 4,5 triệu đồng/tháng cho người mới vào thì cũng không đủ chi tiêu tối thiểu ở một thành phố đắt đỏ như Hạ Long. Muốn tăng thu nhập thì chỉ còn cách làm thêm giờ. Việc này vừa mất thời gian, mất sức của người lao động. Nhiều người đi làm về mệt thì chỉ có ngủ lấy lại sức, nên kể cả có tiền cũng chẳng có cơ hội hưởng thụ văn hóa, giải trí…” - đại diện LĐLĐ TP.Hạ Long cho biết.

Cũng theo vị này, mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng hiện nay chủ yếu là làm thêm giờ, nhưng cũng chỉ nuôi sống bản thân người lao động ở mức tối thiểu, chứ không có tích lũy.

Dự kiến, khi du lịch hồi phục, các chi phí, giá cả sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo ông Đỗ Cao Thượng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh: Nếu có tăng 6% lương cơ bản thì trừ công nhân ngành than, người lao động ngành nghề khác, với mức lương bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/tháng, để đảm bảo cuộc sống thì rất khó khăn, nhất là với địa bàn đắt đỏ như Quảng Ninh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn