MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hà Huy Đính buồn vì đợt này công ty ít việc. Ảnh: PV

Lương thấp, công nhân mong được tăng ca

Minh Hương - Bảo Hân LDO | 30/03/2022 10:00
Đồng lương của công nhân khá eo hẹp, nếu không được tăng ca, làm thêm giờ, cuộc sống của họ sẽ đối diện rất nhiều khó khăn. Dù một mình hay có gia đình, được tăng ca có thêm thu nhập là mong muốn của nhiều công nhân...

Có hàng gấp mới được đi làm bổ sung

Khi chúng tôi đến, chị Triệu Thị Sinh (sinh năm 1988, quê Bắc Kạn) đang nấu ăn. Hôm nay, chị Sinh xin không làm thêm giờ vì “mệt trong người”.

Hơn 10 năm ở Thủ đô - từng ấy thời gian chị lẻ bóng đi làm rồi nuôi con. Con trai của chị Sinh được 7 tuổi, tình hình dịch phức tạp, chị phải gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc. Chị Sinh cho biết, từ khi sinh con, 2 mẹ con không rời nhau. Hôm nào đi làm công ty, chị phải gửi con cho chủ nhà, hàng xóm trông hộ.

Một thân một mình nuôi con khôn lớn, chị Sinh đã phải cố gắng rất nhiều vì tương lai của con. “Dưới này chỉ có 2 mẹ con, nhiều khi tôi cũng buồn lắm. Nhìn con khoẻ mạnh khôn lớn, nó ham học tiếng Anh nên tôi càng có động lực làm việc” - chị Sinh bày tỏ.

Trong phòng chị Sinh có rất nhiều sữa tươi, hỏi ra mới biết, tuần nào phải làm ca đêm hay làm thêm giờ chị đều không ăn mà đổi lấy sữa. Suất ăn bao nhiêu tiền, quy đổi ra bấy nhiêu hộp sữa.

Chuyển sang công ty mới được 5 năm, chị Sinh nhận mức lương 7 triệu đồng. Trong đó có các khoản phụ cấp chuyên cần 350.000 đồng; đi lại, nhà ở 200.000 đồng; xăng xe 360.000 đồng... Nếu được đi làm thêm nhiều thì thu nhập được 10 triệu đồng.

Sống một mình, chị Sinh tiêu tốn hết 5 triệu đồng cho toàn bộ khoản chi; có con ở cùng, số tiền này tăng gấp đôi. “Phí cho con đi học thêm, hoa quả, bánh, sữa, gửi con... rất tốn kém. Có con ở cùng thì chi tiêu bị thiếu hụt vì thu nhập của tôi chỉ có 7 triệu đồng. Tháng nào bị âm tiền, tôi phải rút tiền tiết kiệm ra chi tiêu. Tháng nào được tăng ca, có tiền dư, tôi lại để dành cho những tháng ít việc” - chị Sinh nói.

Làm thêm nhiều mới có nhiều tiền

Chiều cuối tuần, anh Hà Huy Đính nghỉ làm ở nhà “do công ty ít việc”. Để “giết” thời gian, nam thanh niên sinh năm 1996 này gần như chỉ nằm trên giường, chơi điện tử. “Tôi không có bạn bè trên Hà Nội nên đi làm về chỉ ở trong phòng trọ. Tuy buồn, nhưng nhờ vậy mà tôi ít phải chi tiêu, dành tiền để gửi về quê” - anh Đính cho hay.

Tốt nghiệp cấp 3, anh Đính đi học nghề, rồi đi sửa chữa máy vi tính. Nhưng nghề này ở quê không đủ sống nên anh quyết định rời Hà Tĩnh ra Hà Nội làm công nhân. 5 năm nay, anh Đính thuê trọ, làm công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Nếu không đi làm thêm, anh có thu nhập khoảng 6 triệu đồng (5,2 triệu đồng lương cơ bản và các khoản phụ cấp). Nếu có đi làm thêm, mức thu nhập này tăng lên mức 7-8 triệu đồng/tháng; làm nhiều hơn nữa thì được khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Ngày nào chỉ phải đi làm 8 giờ, anh Đính sẽ tự nấu cơm ở phòng trọ để đảm bảo vệ sinh; nếu phải đi làm 12 giờ, anh sẽ ăn cơm bình dân để tiết kiệm thời gian. Mỗi tháng, anh Đính trả 800.000 đồng tiền thuê nhà và tiền điện nước; tiền sinh hoạt, ăn uống khoảng 2-3 triệu đồng. Còn lại, anh gửi về quê cho mẹ.

“Hằng tháng, tôi gửi về cho mẹ được khoảng 3-4 triệu đồng. Nói là gửi về cho mẹ, nhưng tôi hiểu, mẹ muốn giữ cho tôi để sau này có công chuyện thì dùng đến” - anh Đính cho hay.

Nam công nhân này cho biết, do chỉ có một mình, chưa lập gia đình nên anh mới có thể dành dụm tiền gửi về quê. “Nếu có gia đình, tôi sẽ phải làm thêm nhiều hơn nữa mới đủ trang trải” - anh Đính cho hay. Anh Đính dự định chỉ làm công nhân ở Hà Nội khoảng 2 năm nữa rồi sẽ về quê để ở gần, chăm sóc mẹ, bởi mẹ anh đã lớn tuổi, sức khoẻ yếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn