MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Chung Thị Tiệp nấu ăn ngày cuối tuần tại khu trọ. Ảnh: M.Hương

Lương thấp, công nhân “sợ” ốm đau

Minh Hương LDO | 10/05/2022 10:11

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3.2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với thu nhập eo hẹp như vậy, lúc ốm đau, công nhân chỉ mua thuốc uống đơn giản hoặc để tự khỏi, họ không dám đến bệnh viện vì sợ tốn kém.

Chỉ khám bệnh khi được miễn phí

“Nếu ốm đau, tôi chỉ mua thuốc uống vài hôm đầu, hôm sau thấy đỡ, tôi để bệnh tự khỏi. Tôi không đến bệnh viện vì sợ khám ra bệnh lại tốn tiền chữa trị” - chị Nguyễn Thị Nga - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Thuê trọ và làm công nhân một mình suốt 6 năm qua, chị Nga kể, có nhiều lần bị đau bụng không thể đi lại được, chị vẫn cố chịu đựng không đi khám bệnh.

“Tôi đoán mình bị đau dạ dày nên chỉ uống mật ong pha nước nóng mỗi khi cơn đau ập đến” - chị Nga nói.

Chị Nga có 2 người con đang gửi ở quê cho ông bà nội chăm sóc, với tiền lương (nếu được tăng ca) hơn 7 triệu đồng, hằng tháng, chị gửi về cho các con gần 3 triệu đồng. Để có tiền gửi về quê, chị Nga chi tiêu dè sẻn từ ăn uống, quần áo, đi lại… Đồng lương có hạn nên chị Nga chỉ được khám bệnh khi Cty tổ chức khám miễn phí. Tháng 3.2022, chị Nga mắc COVID-19, sau khi âm tính trở lại, chị vẫn bị ho và thở hụt hơi. Mọi người đều khuyên chị đi khám hậu COVID-19 nhưng sợ tốn tiền, chị Nga chép miệng: “Để một thời gian nữa sẽ tự khỏi…”.

Được hỗ trợ tiền ăn mới đi khám bệnh

Chị Chung Thị Tiệp (sinh 1982, quê ở Lạng Sơn) - công nhân Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (Bắc Ninh) cho biết - do quanh năm ốm đau, nếu không được công ty hỗ trợ tiền ăn, có lẽ thu nhập của chị không đủ tiền chữa bệnh hay gửi về cho con.

Lần ốm gần đây nhất của chị Tiệp là giữa tháng 1.2022, khi chị mắc COVID-19. Sau gần nửa tháng, chị âm tính trở lại nhưng hay có triệu chứng buồn nôn, chân tay rã rời. Chị quyết định đến phòng khám tư vì hay phải tăng ca, giờ giấc không ổn định.

Lần khám hậu COVID-19 này tiêu tốn của chị Tiệp 1,1 triệu đồng. Chị Tiệp nói, cầm tờ hoá đơn, chị rất xót tiền nhưng vì cơ thể yếu ớt, không làm được việc mới phải đi khám bệnh. 

Mỗi năm, chị Tiệp phải đến viện 3-4 lần vì mắc bệnh vôi hoá cột sống, đầu gối tràn dịch... Năm ngoái chị phải đi hút dịch đầu gối 3 lần, mỗi lần tốn 500.000 đồng. Gần đây, đầu gối của chị lại tiếp tục xuất hiện triệu chứng đau nhức, khó cử động. Chị Tiệp cho hay, lương công nhân nếu được tăng ca là 7 triệu đồng, tháng nào chị cũng gửi về cho con 2-3 triệu đồng. Vì công ty hỗ trợ ăn 3 bữa/ngày (tương đương 48.000 đồng/người/ngày) nên chị có thể tiết kiệm được chi phí ăn uống.

“Nếu không có khoản tiền này, rất khó để tôi có tiền khám bệnh, mua thuốc mỗi khi ốm đau” - chị Tiệp chia sẻ.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan nhận định: Tiền lương ảnh hưởng rất nhiều tới khám chữa bệnh đảm bảo sức khoẻ của công nhân. Có 9,9% người lao động cho biết thu nhập hiện tại hoàn toàn không đủ cho họ mua thuốc và khám chữa bệnh; 43,4% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Nhiều người lao động không dám đi khám vì không có tiền; 5,1% công nhân trả lời rằng, họ vẫn đi làm bình thường và để bệnh tự khỏi;  57,7% công nhân lao động cho biết họ tự mua thuốc về tự chữa bệnh và chỉ đi đến các cơ sở ý tế khám khi bệnh chuyển nặng.

Ngoài ra, từ đợt dịch thứ nhất và thứ hai năm 2020, ngay từ khi xuất hiện các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, các vấn đề chăm sóc y tế và tiếp cận giáo dục đã bị đình trệ. Các bệnh viện bị phong tỏa, ngành y tế đưa ra các khuyến cáo hạn chế đến các cơ sở khám, chữa bệnh hay tổ chức phân tuyến điều trị từ trung ương chuyển về các tỉnh thành, các bệnh viện cấp huyện, cộng với tâm lí e ngại đến các cơ sở y tế, vấn đề chăm sóc sức khỏe của công nhân, lao động bị thiếu hụt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn