MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân tham gia phiên chợ giá gốc và hàng giảm giá ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Lương thấp, lao động ngoại tỉnh ở Bình Dương sống khó

Đình Trọng LDO | 20/12/2023 14:00

Tại Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp đều chi trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, mức thu nhập từ 5-7,5 triệu đồng/tháng vẫn chưa đủ để người lao động trang trải cuộc sống. LĐLĐ tỉnh Bình Dương kiến nghị sớm điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng và kiểm soát hơn giá cả các mặt hàng ngoài thị trường.

Khó đảm bảo cuộc sống bằng mức lương tối thiểu vùng

Theo Quy định Nghị định số 38/2022/NĐ-CP áp dụng mức lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022 đối với người lao động, Bình Dương thuộc Vùng I tương ứng mức lương tối thiểu là 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu giờ là 22.500 đồng/giờ.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp ở Bình Dương đã trả mức lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Trung bình mỗi tháng, thu nhập cơ bản của người lao động ở Bình Dương từ 5-7,5 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương - nhận định: “Mức lương hiện tại không thể đảm bảo được đời sống của công nhân. Người lao động xa quê phải chi phí rất nhiều khoản, từ tiền ăn, tiền thuê trọ, tiền cho con cái học hành... Với mức lương này không thể đảm bảo cuộc sống với người lao động”.

Đối với mức thu nhập bình quân của người lao động, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho biết, trong năm qua, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và việc làm, đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh và tình hình trên thế giới. Hiện tại, thu nhập bình quân của khối hành chính sự nghiệp là khoảng 6,8 triệu đồng/người/tháng; khối doanh nghiệp là 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo bà Nguyễn Kim Loan, tỉnh Bình Dương có khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó có khoảng 80% là người lao động ngoại tỉnh. Đa số người lao động ngoại tỉnh còn đi ở trọ thuê nhà, chi phí sinh hoạt cao, ít tích lũy… nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Lương cơ bản thấp, lao động xa quê đối diện với thất nghiệp

Theo ghi nhận, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn với người lao động ở Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp đơn hàng bị sụt giảm phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Việc này đã tác động xấu đến việc làm, thu nhập của người lao động ở Bình Dương. Nhiều công nhân bị giảm giờ làm, có người bị thất nghiệp kéo dài không tìm được việc làm mới.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2023 có 127.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Những lao động bị ảnh hưởng tập trung ở các ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ.

Anh Đỗ Ngọc An (40 tuổi, quê Bắc Kạn) bị thất nghiệp 3 tháng liền trong năm. Trong tháng 8.2023, anh An phải đi qua nhiều khu công nghiệp tại Dĩ An, Thuận An để tìm việc làm.

“Suốt 2 tháng, ngày nào tôi cũng đi gõ cửa các doanh nghiệp để tìm việc làm. Chưa bao giờ tìm việc ở Bình Dương khó như năm nay. Thất nghiệp, đời sống của gia đình rất khó khăn. Trang trải của gia đình nhiều tháng chỉ trông chờ vào phần thu nhập cơ bản của vợ là 7 triệu đồng” - anh An tâm sự với phóng viên.

Cư xá Hưng Lợi 2, phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, có đến 1.300 phòng trọ cho thuê, là một trong những khu trọ lớn nhất tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay nhiều công nhân thất nghiệp về quê, khiến nơi đây trở nên thưa vắng người lao động.

Tăng lương cần kiểm soát việc tăng giá hàng hóa

Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương: Việc tăng lương tối thiểu trong thời gian tới là rất cần thiết. Tuy nhiên, đi kèm với tăng lương, là việc làm ổn định, để người lao động có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải kiểm soát giá cả các mặt hàng ngoài thị trường. Có như vậy việc tăng lương tối thiểu mới có ý nghĩa thực sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn