MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ công chức mong muốn việc cải cách tiền lương phải có tác dụng kích thích tăng năng suất lao động, làm cho CBCC thực sự sống được bằng lương. Ảnh: HẢI NGUYỄN

"Lương thấp, trợ cấp thì nhiều, dẫn đến sự méo mó trong quan hệ tiền lương"

HOA LÊ LDO | 09/05/2018 09:22

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khi nói về những hạn chế, yếu kém của chính sách tiền lương công chức hiện tại.

Tại Hội nghị Trung ương VII khóa XII, Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng cũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” được đưa ra bàn thảo.

Mục đích của đề án này nhằm tạo động lực mới với những người có năng lực, trình độ chuyên tâm làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, đến nay vấn đề tiền lương trong khu vực công vẫn có nhiều vướng mắc. Cụ thể, thiết kế hệ thống thang, bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Tiền lương chưa phải là thu nhập chính của cán bộ công chức, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực nâng cao hiệu quả làm việc. Có quá nhiều phụ cấp, đôi khi xảy ra trường hợp lương thì thấp, trợ cấp thì nhiều, dẫn đến sự méo mó trong quan hệ tiền lương hiện nay.

Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương của người lao động chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của người lao động. Tiền lương chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mức lương tối thiểu có độ bao phủ còn hẹp. Các can thiệp hành chính không hợp lý đã hạn chế cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động là cơ chế phổ biến trong nền kinh tế thị trường.

Ông Diệp cho rằng tất cả những hạn chế, yếu kém trên làm cho việc cải cách chính sách tiền lương cả khu vực công và khu vực doanh nghiệp trở nên hết sức cần thiết.

Dự thảo về cải cách tiền lương lần này có thiết kế bảng lương về chức vụ và bảng lương về chuyên môn nghiệp vụ, dựa trên đánh giá trình độ, hiệu quả công việc. Từ đó, tránh trường hợp nhiều khi lãnh đạo lại có mức lương thấp hơn thấp hơn cấp dưới và khuyến khích công chức trau dồi chuyên môn, phấn đấu đạt được các chức vụ lãnh đạo. 

"Trong khu vực công, quỹ tiền lương sẽ được thiết kế gồm 3 phần, gồm phần để trả lương cơ bản, chiếm khoảng 70%, phụ cấp chiếm 30%. Thiết kế hệ thống tiền lương lần này cũng sẽ dành một khoản tiền thưởng tối đa bằng 10% quỹ lương cơ bản năm. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền sử dụng kinh phí chi thường xuyên để sử dụng, tuyển dụng nhân tài", Thứ trưởng cho biết.

Để thực hiện thành công cải cách về chính sách tiền lương, ông Diệp cho rằng cần sự quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và xã hội. Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương cần được thực hiện đồng bộ với quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh giản, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn