MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động ngành công nghệ thông tin có mức lương ngày càng hấp dẫn. Ảnh: T.H

Lương, thưởng Tết ngành công nghệ thông tin

THƯ HÂN LDO | 15/12/2021 12:00
Ngành công nghệ thông tin không ngừng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, bất chấp sự “hoành hành” của dịch COVID-19. Trong những năm qua, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rõ sự phát triển không ngừng của lĩnh vực này. Cùng với đó, mức lương hấp dẫn luôn “mời gọi” người lao động “đầu quân” làm việc.

Mức thưởng Tết cao

Theo anh B - Trưởng phòng Phát triển phần mềm một công ty công nghệ - đối với các công ty gia công phần mềm, người lao động trong ngành được 1 tháng lương thứ 13; còn những người lao động công nghệ thông tin làm trong một số ngành đặc thù khác như tài chính ngân hàng, chứng khoán có thể nhận được cao hơn. “Thưởng Tết sẽ tuỳ vào tình hình kinh doanh, quy định của từng công ty. Có những công ty thưởng Tết 5-7 tháng lương là bình thường” - anh B cho hay.

Theo anh B mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng ngành công nghệ thông tin không bị ảnh hưởng, thậm chí còn phát triển hơn mọi năm do tận dụng được kênh thương mại điện tử. 

Còn anh Nguyễn Văn T - một kỹ sư công nghệ thông tin - cho hay, thưởng Tết trong ngành tuỳ từng công ty và tuỳ theo hợp đồng lao động của người lao động. “Hiện nay, nhiều công ty thiết kế trả lương theo gói, nếu trong năm nhận nhiều rồi thì thưởng Tết sẽ ít đi. Tất nhiên, trừ một số vị trí theo doanh thu, hay lợi nhuận thì có biến động ít nhiều, nhưng đó chỉ là thiểu số” - anh T nói. 

Theo anh T, công ty nơi làm anh làm vẫn liên tục tuyển dụng nhưng cuối năm, mọi người có thể chờ thưởng Tết hay lương tháng 13 nên khả năng “nhảy việc” ít. “Nếu nhảy việc thì phải ra Tết, vì khi đó, nhiều dự án xong việc giải ngân năm trước, nhân viên kết thúc dự án, lấy thưởng xong, lúc đó họ mới cân nhắc chuyển việc tìm cơ hội hay công việc mới”- anh T cho hay.

Anh T tiết lộ, mức thu nhập trung bình của ngành công nghệ thông tin là 17-18 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, công nghệ thông tin là nghề phải làm ngoài giờ, làm thêm nhiều, công việc áp lực. Nhân lực trong nghề này luôn phải học hỏi, cập nhật kỹ thuật công nghệ mới, nếu không sẽ không theo kịp. Vì thế, họ ít có thời gian cho gia đình. Ngoài ra, khi tuổi đã cao, sức khoẻ kém đi, tốc độ cập nhật kỹ thuật công nghệ mới chậm lại, lương không tăng so với kinh nghiệm, ảnh hưởng đến động lực làm việc; có người thậm chí có nguy cơ bị ép nghỉ việc hoặc phải chấp nhận làm hợp đồng với mức lương thấp hơn.

Mức lương thay đổi rõ rệt trong 10 năm qua

Theo khảo sát của VietnamWorks-đơn vị sở hữu trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam - các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật mới nhất, nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.

Thông qua khảo sát, kênh tuyển dụng VietnamWorks cho biết, mức lương của nhân sự ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam thay đổi rõ rệt trong 10 năm qua. Nửa thập kỷ sau vào những năm từ 2015 - 2019, tiếp tục là sự phát triển của khoa học dữ liệu khi công nghệ này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc mức lương đăng tuyển cho vị trí “Phát triển hệ thống quản trị thông minh cho doanh nghiệp” là 1.532USD vào năm 2015.

Các xu hướng công nghệ cao cũng bắt đầu du nhập vào Việt Nam thời điểm này và cũng thể hiện được thông qua mức lương cao được chi trả cho các vị trí như “kỹ sư lập trình vạn vật kết nối” với mức lương 1.800USD; Kỹ sư lập trình trí tuệ nhân tạo với mức lương 1.958USD; Kỹ sư lập trình công nghệ chuỗi khối được đề xuất mức lương 2.033USD; Kỹ sư lập trình dữ liệu đám mây với mức lương 2.006USD, Kỹ sư lập trình thị giác máy tính với mức lương 2.382USD.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho hay, ngành công nghệ thông tin vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự dù trong bối cảnh các ngành nghề khác chịu tác động dịch COVID-19. Nhân lực công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt với bối cảnh dịch COVID-19, các doanh nghiệp đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ. Lĩnh vực công nghệ vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn và thường xuyên trong thời gian qua, ở một số vị trí đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao như: Kỹ sư, lập trình viên.

Tại buổi ký kết hợp tác của 100 đại diện doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống lĩnh vực trong đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số, TS Nguyễn Thành Nam - Founder FUNiX - cho biết, các công việc trong ngành tăng trưởng tới 47% những năm qua, nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về công nghệ thông tin chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo phi truyền thống là hướng đi đúng đắn giúp lấp đầy khoảng trống nhân sự, cũng là khoảng trống của những cơ hội trong ngành IT mà Việt Nam cần. Trong các lĩnh vực công nghệ giàu tiềm năng như Mobile Game, Blockchain, IoT, AI… các chuyên gia đều đánh giá Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí là cái nôi cung cấp nguồn nhân sự giỏi cho thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn