MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc trong một xưởng may trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Quế Chi

Lương tối thiểu cần sớm đảm bảo mức sống tối thiểu

Tất Thảo LDO | 21/08/2017 06:33

Với mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 là 6,5%, một lần nữa, người lao động (NLĐ) lại phải chờ để LTT đáp ứng được mức sống tối thiểu của mình và gia đình. Và cuộc “rượt đuổi” này liệu bao giờ mới kết thúc?

Kéo dài thêm lộ trình

Như báo Lao Động đã thông tin, vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (Hội đồng) bàn về phương án tăng LTT vùng năm 2018 đã tiến hành bỏ phiếu và chốt phương án tăng 6,5%. Mức tăng 6,5% tương đương với vùng I tăng 230.000 đồng; vùng II tăng 210.000 đồng; vùng III tăng 190.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng so với năm 2017.

Mức tăng này chưa làm Tổng LĐLĐVN thỏa mãn, bởi chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Theo tính toán của Tổng LĐLĐVN, nếu LTT vùng năm 2018 tăng 13,3% (tăng từ 370.000 - 450.000 đồng so với năm 2017), lộ trình LTT vùng đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu sẽ kết thúc sớm vào năm 2018; còn nếu mức tăng 10% (tăng từ 270.000 - 350.000 đồng), lộ trình này sẽ kết thúc vào năm 2019; 8,4% (tăng từ 220.000 - 300.000 đồng so với năm 2017) là năm 2020”. 

Ngay cả với mức tăng LTT vùng năm 2018 là 7%, sau khi trừ đi bù trượt giá (4%), NLĐ chỉ được hưởng 3%. Vì vậy, lộ trình này chắc chắn phải kéo dài đến sau năm 2020. Trong khi đó, mức điều chỉnh LTT vùng năm 2017 là 7,3%, thấp hơn nhiều so với các năm trước đó, nên nhìn chung chưa đáp ứng mong muốn của đa số NLĐ. Theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN, có trên 55,3% NLĐ cho rằng việc tăng LTT năm 2017 còn thấp.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - Điều 91 Bộ luật Lao động 2012 xác định: “Mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ” và mức LTT vùng hằng năm là do Chính phủ công bố.

“Song, hiện nay (năm 2017), mức LTT vùng chỉ mới đáp ứng được khoảng trên 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Như vậy, dưới góc độ pháp chế, bản thân chính cơ quan nhà nước đã không tuân thủ quy định của pháp luật” - ông Lê Đình Quảng nói.

Cần tính đến nhu cầu của người lao động và gia đình

Trao đổi với báo chí, TS Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam - cho biết, Tổng LĐLĐVN có lý của mình khi cho rằng LTT cần đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ. Theo TS Chang-Hee Lee, tất cả tổ chức công đoàn (CĐ) trên thế giới đều có cùng mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ. 

Mức sống tối thiểu là một khái niệm mang tính tương đối cả về mặt thời gian cũng như tùy theo quốc gia. “Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển hơn, danh sách nhu cầu tiêu thụ của con người cũng dài ra. 20 năm trước đây, nếu chúng ta có 3 bữa cơm mỗi ngày và mua được 1 chiếc xe đạp, thế có lẽ đã là đủ. 

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chỉ những thứ này không còn là đủ nữa” - TS Chang-Hee Lee đưa ra ví dụ. TS Chang-Hee Lee nói thêm, theo Công ước về Xác lập Tiền lương tối thiểu của ILO, nhu cầu của NLĐ và gia đình họ cần phải được tính đến khi xác lập tiền lương tối thiểu. Đồng thời, Công ước cũng khuyến khích xem xét các yếu tố kinh tế, trong đó có thể bao gồm sức cạnh tranh và ổn định về giá. 

“Mục đích bao trùm của chính sách tiền LTT là nhằm bảo vệ NLĐ không bị trả mức lương quá thấp. Nhưng khi được sử dụng một cách hợp lý và kết hợp với các công cụ chính sách khác, LTT có thể có những tác động tích cực, giúp giảm chênh lệch tiền lương và tăng bình đẳng giới” - TS Chang-Hee Lee nói.

Để LTT có hiệu quả trong việc xác lập mức sàn bảo vệ NLĐ ở dưới đáy của thang lương trong khi vẫn đảm bảo môi trường kinh doanh để phát triển DN bền vững, TS Chang-Hee Lee cho rằng Việt Nam có thể xem xét một vài gợi ý sau: 

Thứ nhất, LTT nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để đảm bảo rằng mức LTT mới giúp phát triển DN bền vững trong khi vẫn bảo vệ NLĐ không bị trả lương quá thấp. Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn. 

Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa năng lực chuyên môn của Ban thư ký (bộ phận kỹ thuật) của Hội đồng. Bộ phận này đóng một vai trò quan trọng giúp cung cấp những phân tích sâu sắc về số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện của Chính phủ, NLĐ và người sử dụng lao động) có thể đàm phán dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bối cảnh và bằng chứng.

Tiền lương tối thiểu qua các năm
* Năm 1987, mức LTT cho các doanh nghiệp (DN) FDI được ấn định chung là 50 USD; mức LTT cho các DN trong nước là 220 đồng/tháng.
* Năm 1993, mức LTT của DN trong nước được ấn định 120.000 đồng/tháng.
* Năm 1995, Bộ luật Lao động có hiệu lực, chính thức luật hóa mức LTT.
* Năm 1996, LTT các DN FDI phân thành 4 vùng tương ứng với 45 - 40 - 35 - 30 USD. Đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp và DN trong nước thực hiện theo mức LTT chung và được điều chỉnh lên: 144.000 đồng (năm 1997); 180.000 đồng (năm 2000); 210.000 đồng (năm 2001); 290.000 đồng (năm 2003); 350.000 đồng (năm 2005); 450.000 đồng (năm 2006); 540.000 đồng (năm 2008); 650.000 đồng (năm 2009); 730.000 đồng (năm 2010).
* Từ tháng 10.2011 đến nay, tiền LTT khu vực DN được tách khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp và thống nhất mức LTT giữa DN trong nước và doanh nghiệp FDI. Nguồn: Tổng LĐLĐVN
Nếu tăng VAT, phải điều chỉnh lộ trình tăng lương tối thiểu vùng
Sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%, đại diện Tổng LĐLĐVN khẳng định chưa cảm thấy thoả mãn với mức tăng này. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng “mức tăng 6,5% thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020”.
Tuy nhiên, nếu các phương án tăng thuế VAT của Bộ Tài chính được thông qua thì lộ trình tăng lương tối thiểu cần xem lại, bởi lẽ từ ngày 1.1.2019, áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu (do gánh thêm 1-2% thuế VAT) sẽ khiến chi tiêu trung bình của mỗi gia đình người lao động tăng thêm 14-15%. Như vậy mức tăng khoảng 6,5-7% sẽ không còn phù hợp, mà phải tăng lên mức 15% thậm chí 20% thì lương tối thiểu mới đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn