MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Văn Thắng

Lương tối thiểu vùng hiện chưa đảm bảo mức sống tối thiểu

HẠNH AN thực hiện LDO | 18/12/2023 06:10

Ngày 20.12 tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến sẽ họp phiên thứ 2 để bàn về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2024. Trước thềm phiên họp, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cựu thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia xung quanh vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐVN đã đưa ra kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thêm 5-6% so với hiện hành. Tuy nhiên, một số đại diện khác trong hội đồng đề xuất không tăng, do doanh nghiệp mới phục hồi, còn nhiều khó khăn. Từng nhiều năm tham gia Hội đồng đàm phán lương, quan điểm của bà về việc điều chỉnh lương cho năm tới ra sao, thưa bà?

- Lương tối thiểu là để bảo vệ cho người lao động, tránh tình trạng tiền lương người lao động nhận được dưới mức sống tối thiểu.

Ví dụ, lương tối thiểu vùng 1 của một số địa bàn tại Hà Nội khoảng 4,7 triệu đồng/tháng là để bảo vệ những người đang có mức sống tối thiểu 4,7 triệu đồng/tháng.

Lương của người lao động còn phụ thuộc vào năng suất lao động, thời gian làm việc, hiệu quả sử dụng lao động...

Theo tôi, cần phải có khảo sát kỹ hiện nay có bao nhiêu người lao động đang hưởng mức lương tối thiểu vùng, đời sống của những người này hiện nay như thế nào để có cơ sở xây dựng mức tăng phù hợp năm tới.

Tiêu chí để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019. Để việc tăng lương tối thiểu đảm bảo được sự hài hòa giữa các bên, theo bà sẽ cần những giải pháp gì?

- Luật đã quy định rất rõ lương tối thiểu được điều chỉnh dựa vào các căn cứ: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động... Tuy nhiên, đảm bảo các yếu tố này mới là bước đầu để tăng lương tối thiểu, quan trọng hơn là khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Cần lưu ý rằng, người lao động nhận lương tối thiểu nhưng đây lại là chi phí doanh nghiệp chi trả. Nếu lương tối thiểu vùng cao, doanh nghiệp phải chi trả chi phí quá cao, không gánh được, họ sẽ buộc phải sa thải lao động nếu không muốn vi phạm luật.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%), nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thiếu đơn hàng… Các bên liên quan cũng cần phải rà soát xem có bỏ lọt người lao động nào hay không, có đối tượng nào đi làm fulltime đủ 48 giờ/tuần mà không được trả bằng mức lương tối thiểu hiện nay hay không...

Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng cần chỉ ra mức lương tối thiểu chỉ là “lưới an toàn” cho tất cả những người làm công, ăn lương (toàn thời gian) như Bộ luật Lao động đã quy định.

- Xin cảm ơn bà!

Hội đồng Tiền lương Quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động. Thành viên Hội đồng bao gồm đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐVN, một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương và chuyên gia độc lập.

Hằng năm, Hội đồng sẽ tổ chức họp thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng (bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn