MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
* Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 2 ngày 11.7 (ảnh lớn). * Biểu đồ lương tối thiểu vùng 1 trong 5 năm qua.Ảnh: HOA LÊ - Infografic: HẢI NGUYỄN

Lương tối thiểu vùng năm 2020: “Chốt” tăng 5,5% so với năm 2019

ANH THƯ LDO | 12/07/2019 12:00

Tại phiên họp thứ 2 ngày 11.7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án mức lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng lên 5,5% so với mức lương tối thiểu năm 2019. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết: “Nói chung, mong muốn của NLĐ và tổ chức Công đoàn lớn hơn mức 5,5%. Nhưng với tinh thần chia sẻ và đồng hành với DN, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh để có điều kiện tiếp tục chăm lo cho NLĐ, nên chúng tôi tạm hài lòng”. 

Đàm phán căng thẳng

Phải đến phiên họp thứ 2, với kết quả bỏ phiếu 11/13 thành viên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã “chốt” được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%. Cụ thể, so với năm 2019, vào năm 2020, lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng từ 4.180.000 lên mức 4.420.000 (tăng 240.000 đồng); vùng 2 tăng từ 3.710.000 lên 3.920.000 (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).

Trao đổi về mức tăng lương tối thiểu vùng 2020, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho hay: “Ban đầu, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại diện chủ sử dụng lao động) có mức đề xuất khác nhau. Theo đó, Tổng LĐLĐVN bao giờ cũng mong muốn cải thiện tốt nhất đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, đại diện cộng đồng DN không phải không mong muốn cải thiện đời sống NLĐ, mà họ muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, tích luỹ, đầu tư”.

Theo ông Diệp, trong thảo luận, phương án lương tối thiểu do Tổng LĐLĐVN đưa ra là 6,7% và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất mức tăng khoảng 4%. So với mức đưa ra đầu tiên, khoảng cách giữa hai bên đã thu hẹp rất nhiều. Do vẫn còn chênh lệch, nên sau thời gian đàm phán, hai bên chốt phương án cuối cùng điều chỉnh 5,5%.

Ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng trên đã đáp ứng được 100% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, về đích theo yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Trước đó, theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu năm 2019 đã bảo đảm 95% mức sống tối thiểu của NLĐ.

Công nhân ngành dệt may.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Một bên chấp nhận được, một bên chưa hài lòng

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết: “Đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Hiện, xác định mức sống tối thiểu dựa vào mức tiêu dùng cụ thể của NLĐ, đảm bảo chi phí lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Cách tính của bộ phận kĩ thuật tăng 5,5% là chấp nhận được”.

“Trong nhiều năm qua, do điều kiện kinh tế xã hội, khả năng của DN nên tiền lương tối thiểu chưa bao giờ đáp ứng được mức sống tối thiểu. Năm nay, chúng ta thực hiện được Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, theo đó, tiền lương phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu”, ông Quảng nói.

Về phía đại diện chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho hay: “Kết quả thương lượng về lương tối thiểu vùng hôm nay khiến chúng tôi chưa hài lòng. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương trao đổi hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, trên 85% đồng ý về mức 5,5%. Điều đó đặt ra chi phí DN tăng cao và phải phấn đấu khoả lấp. Tới đây, DN buộc phải đổi mới công nghệ, năng lực quản trị, trang thiết bị, chính sách đào tạo tay nghề của NLĐ để tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu phát triển của DN”.

Ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Phú Thọ - cho biết, mức tăng LTT là 5,5% như Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu “chốt” là thấp. Theo ông, hiện nay, CN trong các DN, nhất là DN dệt may phải làm việc rất vất vả, lương thấp (một số DN chỉ trả ở mức 3 triệu đồng/tháng cho CN mới vào; CN làm lâu năm mới được ở mức 5 triệu đồng/tháng). Nếu chỉ tăng 5,5%, số tiền tăng được cho CN còn không đủ bù vào phần trượt giá. Ông Sinh cho rằng, mức tăng phải ở 7-8% như đề xuất ban đầu của Tổng LĐLĐVN và mức tăng này cũng đã là chia sẻ với DN. Q.CHI (ghi)

Một cán bộ của CĐ tỉnh Bắc Giang nói rằng, hiện tại, NLĐ với tiền lương làm việc của 8 giờ/ngày là khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí nên họ phải làm thêm giờ mới đảm bảo cuộc sống. Họ phải nuôi con, gửi trẻ, chi phí tối thiểu cho sinh hoạt, chữa bệnh, y tế, thuê nhà,... nên không có tích lũy. Theo cán bộ CĐ này, lương tối thiểu phải tăng ở mức 8,18% như một trong 3 phương án Tổng LĐLĐVN đưa ra mới hợp lý.

“Vừa rồi, tôi đi dự Hội nghị Tiền lương đủ sống” tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều CĐCS DN đề xuất lương của NLĐ làm việc 8 giờ/ngày phải đạt ở mức từ 6-8 triệu/người/tháng tùy từng vùng thì CN mới đủ sống”- cán bộ CĐ này chia sẻ. T.QUYÊN (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn