MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 12.4. Ảnh: AT

Lương tối thiểu vùng rất cần điều chỉnh ngay từ ngày 1.7.2022

THƯ ANH LDO | 18/04/2022 14:47

Đó là ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về việc vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành, từ ngày 1.7.2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. 

Với đề xuất này, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng. 

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Bộ phận kỹ thuật cho rằng, căn cứ vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thực tế năm 2021 là 1,84% và kế hoạch năm 2022 khoảng 4% thì mức lương tối thiểu hiện hành vẫn cao hơn 3% so với mức sống tối thiểu tính cho năm 2021 và thấp hơn 1,3% so với mức sống tối thiểu tính cho năm 2022.

Nếu tính hết năm 2023 (với CPI khoảng 4%) thì mức lương tối thiểu hiện hành thấp hơn 5,3%.

Bên cạnh đó, bộ phận kỹ thuật cũng trình bày các yếu tố về kinh tế, thị trường lao động, yếu tố về mức lương trên thị trường, khả năng của doanh nghiệp…

Bộ phận kỹ thuật cho rằng, qua các yếu tố thực tế căn cứ để xác định mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động cho thấy cần thiết xem xét, điều chỉnh lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1.7.2022.

Nguyên nhân do mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu từ năm 2022, kinh tế, xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới và sản xuất, kinh doanh bắt đầu trong giai đoạn phục hồi. 

Theo đó, có thể xem xét các phương án về mức lương tối thiểu từ tháng 7.2022 với mức tăng từ trong khoảng 3,3% đến 6,08%.

Trong khi đó, tại phiên họp này, đại diện chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng nằm trong khoảng 3-5% và thời điểm tăng lương từ ngày 1.1.2023.

Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022, lần lượt các mức tăng là 8,16% và 7,25%. 

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tất cả 17 thành viên của hội đồng đều bỏ phiếu đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng.

Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1.1.2023.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho hay: "Trước khi diễn ra phiên đàm phán, tôi đã khẳng định, lương tối thiểu vùng rất cần điều chỉnh ngay từ ngày 1.7.2022. Thời điểm này, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình họ hết sức khó khăn".

Ông Lợi cho rằng, phương án tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 để trình lên Chính phủ là mức điều chỉnh chấp nhận được. Qua đó, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp và giới chủ đối với người lao động và ngược lại khi vừa trải qua đại dịch COVID-19.

Qua việc thống nhất mức tăng và thời gian thực hiện điều chỉnh tiền lương trong phiên đàm phán thứ 2 của hội đồng, ông Lợi cho rằng, các bên đều rất quan tâm đến người lao động và thể hiện tinh thần quyết tâm khôi phục và phát triển thị trường lao động. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn